12,8 triệu đồng/người là mức thưởng tết bình quân của người lao động tại TP.HCM dịp Tết Nguyên đán 2023, cao hơn 45% so với tết năm 2022. Khi công bố con số này, nhiều người cũng tò mò coi tết năm nay mức thưởng sẽ thế nào. Nhưng những biến cố của thị trường lao động trong suốt 3 quý năm 2023 đã khiến chuyện thưởng tết thành ra mơ hồ.
Nhìn lại, rất nhiều doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trước đây, nay lại phải gồng mình đi qua năm 2023 bởi "cú đánh bồi" của thị trường, giảm sút đơn hàng. Ngay từ cuối quý 1/2023, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã khảo sát gần 3.800 DN và cho kết quả đa số DN giữ nguyên hoặc giảm lao động, còn cuối năm thì "chưa biết sẽ thế nào".
Đi cùng với sự thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là con số người lao động mất việc. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ trong quý 3/2023, cả nước có hơn 118.000 lao động bị mất việc, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày và phần lớn ở hai tỉnh thuộc vùng đông Nam bộ là Bình Dương và TP.HCM. Những thực trạng về lao động ngậm ngùi khăn gói trở về quê, mệt nhoài chờ rút bảo hiểm xã hội vì các cơ quan quá tải người đến rút, những phòng trọ treo biển cho thuê vì công nhân về quê hết, hay các câu chuyện đi cả ngày trời không tìm được việc... đã được nêu lên trên báo chí, khiến ai cũng lo về một cái tết không trọn vẹn.
Khảo sát nhanh về thưởng tết ở một số DN, đơn vị thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp lẫn dịch vụ, thì hầu hết câu trả lời là "chưa có thông tin cụ thể", "chưa chốt", "chưa nghe nói gì", hay các dự đoán xu hướng giữ nguyên mức thưởng, thưởng ít, không thưởng, không tổ chức tiệc tất niên...
DN cân não với mức thưởng tết cuối năm, còn người lao động thấp thỏm đợi. Biết rằng thưởng tết không phải là quy định bắt buộc đối với DN, mà dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, tuy nhiên từ trước tới nay, thưởng vẫn là chính sách thù lao trong quản trị nguồn nhân lực. Tại VN, thưởng tết được xem như một nét văn hóa thể hiện sự kết nối, sẻ chia, động viên cho sự cống hiến của người lao động, qua đó đóng vai trò giữ chân lao động, tạo động lực tăng năng suất. Khi DN khó khăn, đòi hỏi sự giải trình trung thực, trách nhiệm với người lao động, phía người lao động cũng sẽ đồng hành tích cực với đơn vị để vượt qua thách thức. Thưởng tết không phải sự ban ơn, mà là chính sách phúc lợi thể hiện tinh thần chia sẻ, cộng sinh của các bên vì sự phát triển chung.
Nhưng để đảm bảo không người lao động nào không có tết thì trách nhiệm không chỉ của DN. Quan trọng hơn, chính quyền, cụ thể là các cơ quan quản lý về lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, cần vào cuộc, làm sao để không công nhân nào phải cảm thấy tủi thân hay so đo về thưởng tết với DN khác cùng ngành... Sự vào cuộc đó chính là nắm bắt sát sao lương, thưởng cuối năm để hỗ trợ kịp thời, huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa để cùng chung tay chăm lo cho người lao động.