E-magazine Để phát triển rừng bền vững-Kỳ 2: Áp lực và nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 
 

Gần 40 năm gắn bó với rừng gỗ dổi nhung quý giá, ông Trần Kế Lâm-cán bộ Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) không còn nhớ nổi bao nhiêu lần bị lâm tặc đe dọa, uy hiếp, thậm chí bị hành hung đến đổ máu. Quản lý, bảo vệ hơn 1.400 ha rừng, trong đó có hàng trăm cây gỗ dổi nhung và nhiều loại gỗ quý hiếm khác nên khu rừng đặc dụng này luôn nằm trong tình trạng “báo động đỏ”. Ông Lâm kể: Cuối năm 2021, lúc đi tuần tra, tổ công tác của ông phát hiện nhóm lâm tặc đang vận chuyển gỗ trái phép. Khi bị bao vây, chúng lao thẳng xe vào tổ công tác; sau đó dùng bình xịt hơi cay, gậy tấn công gây thương tích một số anh em, rồi ngang nhiên vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt giam 3 đối tượng.

 

Còn anh Dương Hồng Tâm-nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong, huyện Kbang) thì cho rằng, lâm tặc ngày càng hung hãn, manh động khi gỗ hương có giá trị cao trên thị trường. Nguồn gỗ quý ngày càng ít đi thì việc giữ gần 300 cây gỗ hương cổ thụ phân bố trên diện tích hơn 8.428 ha càng thêm khó.

 
 

Đưa tay vạch cổ áo, anh Tâm chỉ cho chúng tôi xem vết thương còn rất mới. Nhớ lại lần may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, anh không khỏi ớn lạnh: “Cuối năm 2016, lúc tuần tra, tôi phát hiện Trương Văn Hà (SN 1974), Nguyễn Văn Trung (SN 1981, cùng trú tại thị trấn Kbang) đang vận chuyển gỗ trái phép. Chúng xin bỏ qua nhưng tôi không chấp nhận. Bất ngờ, đối tượng Hà rút dao chém trúng cổ tôi gây thương tích rồi bỏ trốn. Cả 2 đối tượng sau đó bị Tòa án nhân dân huyện Kbang tuyên phạt 40 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Không may mắn như anh Tâm, cuối năm 2016, trong khi đang gác tại trạm bảo vệ rừng (thôn Đak Tngông, xã Sơn Lang), 2 anh Nguyễn Nam Thịnh và Võ Văn Huy (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng) đã bị nhóm lâm tặc cầm dao, búa xông vào trạm tấn công. Hậu quả, anh Thịnh bị chém tử vong tại chỗ, anh Huy may mắn chạy thoát. Theo điều tra, trước khi chém cán bộ lâm trường, chúng đến xin khai thác gỗ về làm nhà nhưng không được đồng ý.

 

Gần đây nhất, giữa tháng 6-2022, tại huyện Ia Pa, anh Ksor Suh-nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố đã bị nhóm đối tượng đâm trọng thương khi đang tuần tra, bảo vệ rừng. Rất may, anh Suh đã được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Các đối tượng gây án gồm: Nguyễn Văn Lâm (SN 1995, trú tại xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa), Siu Hun (SN 2001), Hiao Sin (SN 2006) và Rmah Yu (SN 2004, cùng trú tại xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa) đã sa lưới pháp luật. Tại Cơ quan Điều tra, đối tượng Lâm khai nhận do bực tức vì bị anh Suh nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở về việc vận chuyển lâm sản trái phép nên đã nảy sinh ý định trả thù.

 

Chỉ chưa đầy 3 năm, toàn tỉnh đã có hơn 100 người làm công tác bảo vệ rừng ở các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng xin nghỉ việc. Đó là chưa tính đến 10 viên chức quản lý bảo vệ rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT xin nghỉ, thôi việc; thậm chí, lãnh đạo của một số hạt kiểm lâm cũng “rũ áo từ quan” vì nhiều lý do.

 

Đầu năm 2022, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đột ngột quyết định... dứt áo ra đi sau nhiều năm gắn bó với nghề. Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng, anh Tuấn hăm hở đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) nhận việc. Từ nhân viên hợp đồng năm 2017, anh nỗ lực thi đậu biên chế vào năm 2020. Ngoài 35 tuổi, chàng thanh niên nhiều hoài bão với nghề không ngại khó, ngại khổ nhưng lại “dừng bước” trước khoản lương 3,2 triệu đồng/tháng và số tiền công tác phí ít ỏi.

 

Anh Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) có gần 8 năm gắn bó với nghề giữ rừng. Thế nhưng, nỗi lo cơm áo gạo tiền cùng những tháng ngày chênh vênh trên chiếc võng mắc giữa rừng, hết lo muỗi, vắt thì lại thấp thỏm nỗi sợ lâm tặc rình rập trong bóng tối, anh Thanh cũng đành nghỉ việc. Anh chia sẻ: Giữa năm 2012, anh đến nhận công tác tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng (huyện Mang Yang), cách nhà hơn 60 km. Công việc vất vả nhưng thu nhập thì chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Trừ tiền xăng xe, chi tiêu ăn uống, chưa tháng nào anh dành được quá 2 triệu đồng để phụ vợ nuôi con.

 

Chưa đầy 3 năm, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku (huyện Kbang) có đến 17 người nghỉ việc. Ông Đoàn Văn Hợi-Giám đốc Công ty-cho rằng, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi lẽ, người có thâm niên thì lương hơn 5 triệu đồng, mới vào làm thì chỉ được 4,2 triệu đồng. Để nhận được thù lao này, họ phải tham gia trực tuần tra bảo vệ rừng cả thứ bảy, chủ nhật và những ngày lễ, Tết. “Mới đây, chúng tôi tuyển dụng 5 người nhưng cũng chỉ được vài ngày. Thu nhập thấp nên chỉ cần có công việc khác ổn định hơn là họ “bỏ nhảy”. Lực lượng giữ rừng hiện giờ chủ yếu là bộ đội ra quân, lao động phổ thông… nhưng gắn bó lâu nhất thì cũng đôi ba tháng”-ông Hợi rầu rĩ nói.

 
 

Còn ông Hồ Ngọc Thọ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang) cũng than thở về 13 trường hợp bỏ việc gần đây. “Trong số này, có đến 3 người gắn bó với nghề 7-8 năm nhưng cũng có trường hợp chưa làm việc ngày nào đã xin nghỉ. Hợp đồng ký chưa ráo mực, họ vác ba lô lên đến chốt bảo vệ rừng, nhìn xung quanh một lúc thì đã vội trở về, chọn công việc khác thu nhập tương đương hoặc thấp hơn nhưng bù lại được ở gần vợ con, đỡ áp lực hơn so với thời gian làm bảo vệ rừng. Dù mức lương đã có nhiều cải thiện hơn so với trước đây nhưng lâu nay vẫn không tuyển được người”-ông Thọ nói.

Chỉ trong vòng 1 năm nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) có đến 5 cán bộ quản lý, nhân viên bảo vệ rừng viết đơn xin nghỉ việc. Theo anh Chu Khánh Hữu, nghề này dường như không phân biệt ngày hay đêm, lễ, Tết hay ngày thường. Mọi thời điểm đều phải “trực chiến”, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Áp lực công việc lớn, trách nhiệm nặng nề nhưng lương thấp khiến nhiều anh em xin thôi việc. “Đồng lương ít ỏi, chỉ gần 6 triệu đồng/tháng, trừ hết các khoản chi phí đi lại, ăn ở thì may mắn cũng chỉ tiết kiệm được 1-2 triệu đồng gửi về cho vợ con. Phần lớn thời gian của tôi đều gắn bó với rừng nên tất cả mọi việc lớn bé ở nhà đều do một mình vợ đảm đương”-anh Hữu chia sẻ.

 

Không chỉ nhân viên mà ngay cả Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur Đinh Văn Khẩn-người có hơn 30 năm gắn bó với rừng cũng không trụ nổi trên chiếc “ghế nóng”. Mới đây, ông cũng đã điền tên mình trong danh sách những người xin nghỉ việc. Theo ông Khẩn, trách nhiệm của chủ rừng rất lớn, hễ để xảy ra vi phạm sẽ bị kỷ luật ngay. “Phần lớn nguyên nhân xin nghỉ việc là do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro đe dọa đến tính mạng rất cao. Đặc biệt là sự liều lĩnh, manh động sử dụng hung khí chống trả của các đối tượng lâm tặc khi bị phát hiện”-ông Khẩn cho hay.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-xác nhận: Số lượng công chức kiểm lâm, viên chức quản lý và lực lượng bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp hiện còn thiếu đến 100 biên chế. Thiếu hụt nhân lực khiến nhiệm vụ giữ rừng càng thêm khó khăn, xa hơn là nguy cơ “mất rừng” trong bối cảnh tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn biến phức tạp. Đặc biệt, không chỉ lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ, chuyển công tác mà nhiều người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cũng nộp đơn “thoái lui”.

 
 

Có thể bạn quan tâm