Trong Hội nghị Tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có đặt ra vấn đề thành phố cần đặc biệt chăm lo xây dựng môi trường học tập văn minh.
Cụ thể hơn, ông nhấn mạnh: “Các nhà trường cần tạo môi trường học tập tốt để học sinh (HS) cảm nhận được mỗi ngày các cháu đi học là một ngày vui và thấy được ý nghĩa của việc đến trường”.
Ý kiến xác đáng đó vốn đã được nêu ra trong các hội nghị, hội thảo phát triển ngành giáo dục và nhất là trong các cuộc triển khai nhiệm vụ trước mỗi năm học không chỉ ở TP.HCM mà ở nhiều địa phương khác. Nhưng con đường từ quan điểm đó đến những chính sách cụ thể triển khai trên thực tế thời gian qua lại có nhiều vướng mắc cần tìm cách tháo gỡ.
Tình trạng thiếu trường lớp đang diễn ra ở các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM, là một ví dụ cho thấy con đường tiến tới môi trường học tập văn minh là một mục tiêu không dễ sớm đạt được. Vào đầu năm học 2022 - 2023 này, theo ghi nhận của Sở GD-ĐT TP.HCM, thành phố tăng 21.825 HS. Sở này cũng thống kê rằng trung bình mỗi năm thành phố tăng gần 40.000 HS, tập trung ở khối tiểu học do tốc độ đô thị hóa nhanh thu hút nguồn lao động nhập cư.
Tại TP.HCM hiện có rất nhiều lớp học trong các trường công có sĩ số lên đến 50 - 60 HS. Một số quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh đang đứng trước vấn đề lớn: giải quyết bài toán HS tăng nhưng trường lớp không tăng. Tình trạng HS phải học theo ca, chen chúc trong những lớp học không đủ điều kiện vật chất, giáo viên phải giảng dạy và quản một sĩ số nằm ngoài các bài học nghiệp vụ sư phạm... vẫn đang diễn ra phổ biến.
Với những “lớp học nén chặt” như vậy, việc tổ chức lớp học tiêu chuẩn văn minh khó mà đạt được. Chưa nói, một khi giáo viên không thể đảm bảo chất lượng giáo dục tốt trong các lớp học quá tải, đây sẽ là nguyên do phát sinh chuyện HS phải đi học thêm sau giờ học để được giảng bài lại kỹ hơn, nắm bắt kiến thức tốt hơn. Từ đó, các chủ trương hạn chế dạy thêm, học thêm của chính ngành giáo dục cũng khó mà có ý nghĩa thực tế.
Vừa qua, các chuyên gia giáo dục cũng nêu ra lý do hệ thống trường tư thục hạn chế phát triển tại TP.HCM là vì quỹ đất cho giáo dục không “nở” thêm. Trường công quá tải, trường tư không thể mở mang tương xứng với đòi hỏi và nhu cầu phát triển thì giáo dục - nền tảng tạo ra động lực phát triển đô thị bền vững và toàn diện trong tương lai - sẽ rất khó khăn.
Văn minh trường học được định hình từ chính sách, cơ chế giáo dục và từ văn hóa coi trọng học hành của cộng đồng. Vì thế, những nhận thức và tầm nhìn cần đi đôi với các chính sách có tính bối - cảnh - hóa để đáp ứng mong mỏi của toàn xã hội: trao cơ hội học hành bình đẳng, trao điều kiện tiếp nhận tri thức văn minh và văn hóa tốt nhất cho những công dân tương lai.
Theo Nguyễn An Nam (TNO)