Nhưng có người thường lướt các trang mua sắm trực tuyến, chỉ ra “sợi tóc” tương tự được rao bán với giá từ 500.000 - 900.000 đồng (miễn phí vận chuyển) và chính xác nó là một giống cỏ nước ngoài nhưng hình dạng nhìn sơ qua giống sợi tóc.
Câu chuyện đông đảo người dân kéo đến chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) để chiêm bái một “sợi tóc” có thể ngọ nguậy, chuyển động và được cho là của Đức Phật từ cách đây hơn 2.600 năm, khiến dư luận xôn xao. Nhưng có người thường lướt các trang mua sắm trực tuyến, chỉ ra “sợi tóc” tương tự được rao bán với giá từ 500.000 - 900.000 đồng (miễn phí vận chuyển) và chính xác nó là một giống cỏ nước ngoài nhưng hình dạng nhìn sơ qua giống sợi tóc.
Thực hư về sợi tóc ở chùa Ba Vàng trở thành đề tài tranh cãi trong dư luận nhiều ngày qua, thật hay giả có lẽ người trong cuộc rõ nhất. Những ý kiến trái chiều xảy ra, nhiều bài viết phân tích liên tục đăng đàn trên các trang mạng xã hội, có lẽ là lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề, phải chăng luôn cần một điểm tựa tinh thần cho mỗi người trong hành trình nhân sinh này?
Việc núp bóng tôn giáo để thực hiện hoạt động mê tín nhằm trục lợi ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay. Những chuyện chưa tốt đẹp cần nhìn nhận khách quan lẫn chủ quan. Người có hành vi mạo danh hay núp bóng tôn giáo để trục lợi, sai đã thấy rõ nhưng phía người tiếp nhận, phải chăng vì khao khát một điểm tựa tinh thần mà mất khả năng phân biệt, nhận diện những hành vi chưa đúng đắn… Để rồi chính cái khao khát tốt đẹp ấy đẩy người ta vào vòng xoáy mê tín, lệch lạc lúc nào không hay.
Khi nói đến điểm tựa tinh thần, không ít người vẫn quan điểm điều này thuộc về thế giới tâm linh, huyền bí hay các thế lực siêu nhiên mà con người ta không thể chạm bằng tay, thấy bằng mắt hay nghe bằng tai được. Kéo theo niềm tin đó, những câu chuyện sùng bái kỳ lạ lôi cuốn không ít người. Niềm tin cần phải đặt đúng nơi, bởi tin vào điều chưa đúng thì đường đi không thể nào thẳng đến hạnh phúc. Tôn giáo hay bất cứ hoạt động nào, nếu không hướng con người đến giá trị chân- thiện- mỹ, thì có lẽ chỉ là một niềm tin lạc lối.
Không phải ngẫu nhiên mà trong điều kiện xã hội ngày càng hiện đại, người ta càng nói nhiều về sức khoẻ hay đời sống tinh thần. Bởi thiếu thốn vật chất rất dễ nhận diện và bồi đắp, nhưng khoảng trống tinh thần khi nhận ra thì cơn mưa dầm đã thấm từ rất lâu. Một ví dụ dễ nhìn thấy, như việc người ta dễ dàng sở hữu những tác phẩm nghệ thuật triệu USD, là khách mời ở vị trí VIP cho những buổi triển lãm, đấu giá nghệ thuật… Nhưng khả năng cảm thụ cái đẹp thì gần như chẳng có gì để nói.
Hay mạng xã hội, một phần của đời sống 4.0, trang cá nhân muốn được tương tác nhiều (bình luận, lượt thích, lượt theo dõi) thì phải “tô vẽ” bằng những hình ảnh thành công, sang trọng… Hoặc triết lý với ngôn từ hoa mỹ mà đôi khi không cần đúng về sự kết hợp từ ngữ, chỉ cần đọc thấy êm tai kèm hình ảnh lung linh là đủ để nhận một lượt thích. Cùng với đó là những áp lực của vòng xoáy công việc, học tập, các mối quan hệ, khiến không ít người mải miết chạy theo thành công bằng thước đo cụ thể về thành tích trong công việc, tài sản, địa vị xã hội…, mà quên mất mình cũng còn một đời sống tinh thần cần chăm sóc.
Điểm tựa tinh thần cho một hành trình nhân sinh luôn là điều cần thiết, nhất là bối cảnh xã hội đặt con người ta dễ rơi vào vòng xoáy của áp lực vô hình, trống vắng tinh thần ngày càng nhiều. Nhưng điều này không thuộc về thế giới siêu nhiên, hay lấy vật chất làm thước đo hạnh phúc. Điều cốt lõi chính là bản thân mỗi người, chậm lại để kết nối với chính mình, lắng nghe những mong muốn của bản thân để nhận ra những khoảng trống tinh thần cần vun dưỡng, hay tổn thương cần được vỗ về và tha thứ để luôn giữ cho mình một nghị lực, sự lạc quan… Và hơn hết, hãy tự thiết kế cho mình một định nghĩa gọi là thành công và hạnh phúc vừa vặn với chính mình, chứ không phải chạy theo những thước đo từ bên ngoài, đó mới là điểm tựa tinh thần vững chắc.