Tin tức

Diễn biến mới về tình hình chính trị tại Thái Lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Thủ tướng tạm quyền Thái Lan đề nghị các cơ cấu độc lập tại Thái Lan phải có các quyết định công bằng về tình hình hiện nay.

Phó Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Suraphong Tovichakchaikul ngày 7-3 đề nghị các cơ cấu độc lập tại Thái Lan như Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia phải có các quyết định công bằng và không đứng về bên nào trong các hoạt động điều tra và ra các phán quyết liên quan tình hình chính trị tại Thái Lan.
 

 Cuộc Tổng tuyển cử 2-2-2014 đến nay vẫn chưa được Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan công bố kết quả dù là sơ bộ.
Cuộc Tổng tuyển cử 2-2-2014 đến nay vẫn chưa được Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan công bố kết quả dù là sơ bộ.

Ông Suraphong cảnh báo, các tổ chức này sẽ bị các nước lên án nếu có các quyết định thiên vị. Phát biểu được đưa ra sau khi ông Suraphong chủ trì cuộc họp của Trung tâm bảo vệ trị an-cơ cấu cao nhất được Chính phủ thành lập khi áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp hôm 21-1 vừa qua nhằm đối phó cuộc biểu tình chống Chính phủ.  

Kêu gọi của ông Suraphong đưa ra trong bối cảnh ngày 7-3, trong cuộc họp báo được tổ chức tại Bangkok, Cơ quan Thanh tra nhà nước Thái Lan thông báo đã gửi kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan đề nghị hủy bỏ cuộc Tổng tuyển cử hôm 2-2 vừa qua và tổ chức Tổng tuyển cử lại. Cơ quan Thanh tra nhà nước cũng là một cơ cấu độc lập và được thành lập từ trước cuộc đảo chính năm 2006 tại Thái Lan.

Trước đó hôm 4-3, Ủy ban Bầu cử (EC) Quốc gia Thái Lan cũng gửi kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp, trong đó có đề cập đến việc tổ chức Tổng tuyển cử lại. Chiều 7-3, trong cuộc họp báo của Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD- hay còn gọi là những người Áo Đỏ), một lãnh đạo của UDD cho rằng, nếu cuộc Tổng tuyển cử mùng 2-2 vừa qua bị tuyên bố vô hiệu hóa, UDD kêu gọi tiếp tục tổ chức lại cuộc Tổng tuyển cử khác cho đến khi nào một Chính phủ mới được thành lập và theo hiến pháp lúc đó Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới kết thúc nhiệm vụ của mình.

Trong lịch sử, tòa án Hiến pháp Thái Lan đã từng tuyên vô hiệu hóa Tổng tuyển cử khi cho rằng có các vi phạm nghiêm trọng trong việc tổ chức Tổng tuyển cử. Hiện cuộc Tổng tuyển cử mới nhất tổ chức hơn một tháng nay nhưng chưa thể công bố kết quả sơ bộ do vấp phải một số vấn đề pháp lý chưa có tiền lệ.

Phó Thủ tướng Suraphong Tovichakchaikul còn cho biết, đã chỉ đạo cho cảnh sát trưởng quốc gia theo dõi sát những diễn biến liên quan vấn đề ly khai hay “chia cắt đất nước”, đồng thời hy vọng quân đội không dựa vào đó để tiến hành đảo chính.

Ông Suraphong cũng cho rằng, việc mời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon làm trung gian giải quyết các bất đồng tại Thái Lan là để Chính phủ có thể nhận được những ý kiến tư vấn, không liên quan đến vấn đề can thiệp chính trị vào nội bộ của Thái Lan.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm