Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông năm 1992, Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông khác với Trung Quốc đại lục về thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi Bắc Kinh vừa thông qua nghị quyết về dự luật an ninh Hồng Kông, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng có thể hủy bỏ quy chế đặc biệt dành cho thành phố, theo Bloomberg.
Ông Tập Cận Bình bấm nút thông qua nghị quyết về dự luật an ninh Hồng Kông (ảnh: SCMP) |
Nếu hủy quy chế đặc biệt, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông giống như toàn bộ các thành phố khác của Trung Quốc và không còn ưu đãi. Đây có thể là “cơn địa chấn” đối với Hồng Kông trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.
Hôm 28.5, Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông đã gọi việc Mỹ đe dọa chấm dứt quy chế đặc biệt cho thành phố là “độc đoán và không biết xấu hổ”.
Vậy Mỹ có quyết sẽ tước bỏ quy chế đặc biệt cho Hồng Kông không?
Nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra, theo Bloomberg. Tổng thống Mỹ hoàn toàn có quyết chấm dứt quy chế đặc biệt cho Hồng Kông bằng một mệnh lệnh hành pháp.
Năm 2019, ông Trump đã phê chuẩn đạo luật “Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông”. Theo đó, mỗi năm một lần, Ngoại trưởng Mỹ có trách nhiệm xác nhận Hồng Kông có đang duy trì sự tự trị khỏi Bắc Kinh hay không. Nếu kết quả là có thì Hồng Kông mới được tiếp tục hưởng những ưu đãi của quy chế đặc biệt.
Tuy nhiên, ngày 27.5, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố “Hồng Kông đã không còn đủ điều kiện để hưởng ưu đãi quy chế đặc biệt”.
Cảnh sát chống bạo động được triển khai tại Hồng Kông (ảnh: Reuters) |
Điều gì sẽ xảy ra với Hồng Kông nếu bị Mỹ tước quy chế đặc biệt?
Nếu bị tước bỏ quy chế đặc biệt, Hồng Kông có thể đối mặt với việc bị Mỹ hạn chế cấp thị thực, đặc biệt là mức thuế quan chắn chắc sẽ bị nâng lên. Kim ngạch thương mại trị giá khoảng 38 tỷ USD giữa Hồng Kông với Mỹ nhiều khả năng “lao dốc”.
Không thành phố nào tại Trung Quốc được hưởng ưu đãi từ Mỹ và phương Tây nhiều như Hồng Kông. Đây cũng là một trong những “chìa khóa” phát triển kinh tế của thành phố.
Và nếu chính phủ Mỹ đã đối xử với Hồng Kông không khác gì so với bất kỳ thành phố nào khác tại Trung Quốc đại lục, thì các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài nhiều khả năng cũng sẽ làm điều tương tự.
“Về lâu dài, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc kĩ lưỡng về việc làm ăn kinh doanh tại Hồng Kông”, Kevin Lai, chuyên gia kinh tế tại Daiwa Capital Markets, nhận định.
Khoảng 290 công ty Mỹ đang đặt trụ sở tại Hồng Kông.
Người biểu tình Hồng Kông phản đối luật an ninh vừa được Bắc Kinh thông qua (ảnh: Reuters) |
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao nếu quy chế đặc biệt cho Hồng Kông bị chấm dứt?
Khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1977, Bắc Kinh đã cam kết rằng, thành phố sẽ có “mức độ tự trị cao” cả về pháp luật và kinh tế trong 50 năm, theo mô hình “Một quốc gia hai chế độ”.
Theo các chuyên gia, chưa cần đến những lệnh trừng phạt, chỉ riêng việc tuyên bố chấm dứt quy chế đặc biệt cho Hồng Kông (nếu xảy ra) thì Mỹ đã tiếp tục đẩy căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc đại lục lên mức cao hơn. Đối với Hồng Kông, những cuộc biểu tình sẽ còn xuất hiện với quy mô và tần suất đáng lo ngại hơn nữa.
Như một động thái khẳng định quyết tâm, chỉ một ngày sau tuyên bố của ông Pompeo về Hồng Kông, Bắc Kinh hôm 28.5 đã quyết định thông qua nghị quyết về dự luật an ninh cho thành phố.
Triệu Lập Kiên – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – phát đi cảnh báo, Bắc Kinh sẽ có biện pháp đối phó với bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào vấn đề Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông nói gì?
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, Đặc khu trưởng Hồng Kông – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga – tuyên bố, tự do của thành phố sẽ không bị xói mòn bởi luật an ninh mới và việc thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông là “không thể chấp nhận được”.
Mỹ sẽ “đơn thương độc mã” trong việc ngăn cản luật an ninh Hồng Kông?
Chưa có quốc gia nào lên tiếng sẽ ủng hộ Mỹ trong việc trừng phạt Bắc Kinh về vấn đề Hồng Kông. Những đồng minh của Mỹ tại châu Á và châu Âu đều đang e ngại một cuộc đối đầu về kinh tế với Trung Quốc trong bối cảnh còn phải lo chống lại sự bùng phát dịch bệnh, theo SCMP.
Người biểu tình Hồng Kông đối mặt hơi cay của cảnh sát (ảnh: Bloomberg) |
Các nhà ngoại giao, chuyên gia phân tích tại châu Á, châu Âu cho rằng, chính phủ nhiều nước “có sự thông cảm đối với người dân Hồng Kông”, tuy nhiên, không nước nào muốn “mang tiếng” là can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Nhật Bản cho biết, nước này quan tâm đến vấn đề Hồng Kông và đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để bày tỏ quan ngại.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố: “Chúng tôi có sự trao đổi thương mại và kinh tế chặt chẽ với Hồng Kông. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất với Hồng Kông là tiếp tục phát triển thịnh vượng dưới chính sách “Một quốc gia hai chế độ”.
“Mặc dù thông cảm đối với người dân Hồng Kông, nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn phải đặt lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia lên hàng đầu. Hàn Quốc không muốn bị cuốn vào tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc”, Lee Seong-hyon, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Học viện Sejong (Seoul), nhận xét.
Đến nay, Anh là quốc gia duy nhất tại châu Âu đã làm việc trực tiếp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vấn đề Hồng Kông (thuộc địa cũ của Anh). Tuy nhiên, Anh vẫn chưa có động thái nào được cho là cho là đáng kể về dự luật an ninh Hồng Kông.
Thủ tướng Đức - bà Merkel - tuyên bố: “Giữa EU và Trung Quốc có sự khác biệt sâu sắc về luật pháp. Chúng ta chỉ cần quan tâm rằng Hồng Kông vẫn đang được áp dụng chính sách “Một quốc gia hai chế độ” là đủ”.
https://danviet.vn/dieu-gi-xay-ra-neu-my-huy-quy-che-dac-biet-cho-hong-kong-5020202955594275.htm
Theo Vương Nam (Dân Việt, Bloomberg, SCMP)