Multimedia

Emagazine

E-magazine Doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh-Kỳ 1: Sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường



Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đổi mới quy trình sản xuất, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm. Hướng đi này không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường.



Gia Lai có gần 850.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, đảm bảo yêu cầu về chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 256.000 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO... Trong số này, gần 60.000 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, khoảng 12.000 con bò sữa được nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP và một số chuỗi chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn, tỉnh cũng nỗ lực xây dựng mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,2 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày, phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ.



Toàn tỉnh có khoảng 237.346 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đối tượng tham gia liên kết gồm 95 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, khoảng 23.800 hộ nông dân và 69 doanh nghiệp. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện theo nguyên tắc đầu vào rõ ràng, đầu ra ổn định, giúp nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản, hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.


Tham gia nhóm sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, ông Nguyễn Anh Thụy (xã Hneng, huyện Đak Đoa) nhận thấy lợi ích mang lại rất lớn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết. Điển hình như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp liên kết sản xuất hơn 20.000 ha cà phê theo quy trình 4C, UTZ, Organic; Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên có tổng diện tích các loại cây trồng đang thực hiện liên kết hơn 2.090 ha, hình thức liên kết chủ yếu là với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân thông qua hợp đồng; Tập đoàn Lộc Trời triển khai liên kết sản xuất 1.013 ha bắp sinh khối và 229,6 ha lúa nước; Công ty TNHH Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh liên kết chuỗi giá trị sản xuất-tiêu thụ dược liệu với tổng diện tích khoảng 231 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh đã hình thành 6 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp và người dân với tổng số 176 trang trại.




Theo định hướng tăng trưởng xanh, sản xuất nông nghiệp theo hướng tái sinh sẽ hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học; giải quyết những chế phẩm mà trước đây bỏ đi; hướng đến phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết trong khuôn khổ hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Không đứng ngoài cuộc, nhiều doanh nghiệp đã hướng đến việc phát triển sản xuất gắn với phục hồi sinh thái, đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) cho hay: Công ty đang quản lý trên 8.322 ha cao su và hàng năm tự khai thác với sản lượng 7-9 ngàn tấn để chế biến các loại mủ xuất bán ra thị trường. Công ty xác định phương châm cốt lõi trong phát triển sản xuất kinh doanh là dựa trên 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội. Để đạt được kết quả này, từ năm 2020 đến nay, Công ty lần lượt xây dựng và đạt được các chứng nhận: Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; Hệ thống quản lý môi trường ISO 14000:2015; Hệ thống quản lý phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017; Hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm từ vườn cây tới nhà máy chế biến cao su theo tiêu chuẩn PEFC ST 2002:2020 và Hệ thống quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FM/VFCS ST 1003:2019.



Đặc biệt, với việc được cấp chứng nhận Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS/PEFC) cho 5.759,63 ha cao su thuộc 5 nông trường và cấp chứng chỉ PEFC-CoC cho nhà máy chế biến cao su, hoạt động sản xuất, chế biến của Công ty góp phần duy trì và phát triển rừng cao su, đáp ứng yêu cầu về văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường một cách bền vững. Theo đó, Công ty áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán dinh dưỡng trong chăm sóc cây trồng; nói không với việc sử dụng thuốc diệt cỏ và thực hiện phát cỏ để giữ độ ẩm cũng như hệ sinh vật trong mùa mưa; thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại; xây dựng các hố bẫy để thu gom nước vệ sinh dụng cụ, tránh chảy ra môi trường gây ô nhiễm; tăng cường trồng xen để nâng cao diện tích phủ xanh đất rừng. Trong chế biến, bên cạnh đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng để xây dựng hệ thống tháp khử mùi và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ cột B lên cột A với công suất 1.200 m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục để kiểm soát chất lượng nước trước khi xả thải ra môi trường. Công ty cũng đang xây dựng phương án tái tuần hoàn nước thải với khối lượng nước thải sau xử lý được tái sử dụng khoảng 80% (tổng số nước thải phát sinh 800 m3/ngày đêm).



Là doanh nghiệp tiên phong trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường và xây dựng các giá trị kế thừa, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cùng với Công ty JDE Peet’s khởi động Dự án “Nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê cho các cộng đồng người dân tộc bản địa; thúc đẩy phương thức sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ quy định của châu Âu về không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum”.



Theo ông Hiệp, hiện nay, Gia Lai đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành cà phê để phát triển sản xuất bền vững, trong đó xác định phát triển cà phê theo các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới. Tỉnh đang nỗ lực thực hiện chứng chỉ carbon rừng và chứng chỉ carbon trên cây cà phê để thực hiện tốt các quy định của thế giới về giảm phát thải khí nhà kính cũng như thực hiện các quy định và cam kết minh bạch với EU.



Có thể bạn quan tâm