Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Nông nghiệp tuần hoàn: Lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường



Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ sinh học mà các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.



Hiện nay, một bộ phận nông dân đã biết tái sử dụng các nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ sử dụng phụ phẩm rơm rạ trong sản xuất lúa để làm thức ăn cho trâu bò; tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm hoặc được kết hợp để làm phân bón cho cây trồng, phủ mặt luống giữ ẩm cho đất sản xuất rau màu. Bên cạnh đó, nhiều hộ sử dụng vỏ quả cà phê để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng…

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Ngọc San (thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) trồng cà phê theo phương thức truyền thống. Sau một thời gian, ông nhận ra rằng, việc làm nông nghiệp theo kinh nghiệm và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến vườn cây nhanh già cỗi, cho năng suất thấp. Năm 2017, ông San bắt đầu sử dụng nguồn phân chuồng ủ trấu hoặc vỏ cà phê hoai mục có bổ sung các chế phẩm vi sinh có ích để bón định kỳ cho vườn cây thay vì các loại phân hóa học.



“Việc sử dụng công nghệ sinh học để tái chế các chất thải, phế phụ phẩm quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tạo ra nông sản chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường”-ông San khẳng định.

Sau mỗi vụ thu hoạch nông sản, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện đã biến những phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi. Thay vì đốt bỏ rơm ngay tại ruộng sau mỗi lần thu hoạch lúa, bà Lê Thị Tuyết (thôn Nam Hà, xã Ia Ake) đã biết sử dụng rơm ủ cùng men sinh học EM để làm đệm lót sinh học cho đàn gà. “Nhận ra việc đốt rơm không tái tạo được độ phì nhiêu cho đất mà còn gây lãng phí nguồn phụ phẩm này, tôi đã học cách tái chế chúng. Ngoài ra, tôi còn tận dụng lượng rau già úa trong vườn để nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà. Từ khi có đệm lót sinh học, gà ít bị dịch bệnh. Ngoài ra, nhờ có thêm sâu canxi làm thức ăn, đàn gà nhanh lớn hơn”-bà Tuyết chia sẻ.



Phát triển kinh tế xanh và bền vững là mục tiêu mà trang trại cà phê Tamba (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang hướng tới. Với quy mô gần 200 ha cà phê, những năm gần đây, Tamba đã thay đổi tư duy trong sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng cà phê. Tamba sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học mà các chất thải, phế phụ phẩm được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình trồng trọt, chế biến, tạo ra sản phẩm an toàn và giảm ô nhiễm môi trường.




Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Chư Á (TP. Pleiku) là đơn vị sản xuất các sản phẩm từ cây dã quỳ. Đến nay, Hợp tác xã đã cho ra đời các sản phẩm đất hữu cơ đa dụng, chế phẩm sinh học Bio đa năng, than hoạt tính BioTa… Ông Phan Nguyên Cát-Phó Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: Từ các kết quả nghiên cứu và thí nghiệm thực tế cho thấy, trong thân và lá cây dã quỳ có chứa nhiều acid amin thiết yếu cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đặc biệt, trong thân và lá cây dã quỳ còn có các hoạt chất sinh học có tác dụng kiểm soát tuyến trùng và côn trùng gây hại cho cây trồng. Việc tạo ra các chế phẩm sinh học từ loài cây dại này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Phụ phẩm trong nông nghiệp phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.



Ngoài các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên cây trồng, toàn tỉnh còn có 2.728 cơ sở chăn nuôi xây dựng hầm biogas, 5.322 cơ sở chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học. Đến nay, tỉnh cũng đã thu hút được 7 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, phân vi sinh và sản phẩm chăn nuôi với tổng diện tích 179,41 ha, tổng vốn đầu tư 638,09 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có: Tỉnh Gia Lai xác định phát triển nông nghiệp tuần hoàn là định hướng quan trọng thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, hiệu quả, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, tạo việc làm, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.



Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất một số giải pháp như: Cần tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã triển khai, lựa chọn mô hình tiêu biểu để nhân rộng. Đồng thời, đầu tư xây dựng thêm nhiều mô hình áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, chu trình khép kín trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp cho doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn qua các hội nghị, hội thảo... nhằm xác định thị trường đầu ra.



“Trong lĩnh vực trồng trọt, ưu tiên nghiên cứu làm chủ quy trình sản xuất các chế phẩm sinh học, quy trình canh tác khép kín phù hợp với đặc thù vùng sinh thái và quy mô sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, ưu tiên nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chăn nuôi tuần hoàn không chất thải. Ưu tiên nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo các vắc xin, chế phẩm thế hệ mới, có nguồn gốc thực vật, kiểm soát dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu rõ.

Có thể bạn quan tâm