Cá ngừ đóng hộp thương hiệu Việt xuất khẩu sang Italia tăng mạnh do bùng phát dịch bệnh COVID-19. Người dân nước này tích trữ cá ngừ đóng hộp vì các sản phẩm này có thể dự trữ trong thời gian dài. Không chỉ Italia, nhiều nước khác cũng lựa chọn thực phẩm này làm lương thực tích trữ.
Và không chỉ cá ngừ đóng hộp, nhiều sản phẩm khác của Việt Nam đạt chất lượng cao, được nhiều nước lựa chọn, đây là cơ hội để xuất khẩu đến Mỹ, thị trường Châu Âu và các nước khác. Muốn chớp được cơ hội này, tất nhiên các doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ chế biến, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường hướng đến.
Thông tin từ các kênh quốc tế cho thấy, hàng hóa trong các siêu thị của Mỹ và nhiều nước Châu Âu bị vét sạch, và tình hình này còn kéo dài, kể cả hậu dịch bệnh. Tâm lý lo sợ, hoảng loạn vì dịch bùng phát quá nhanh khiến người dân Mỹ và các nước Châu Âu phải tích trữ thực phẩm, chủ động cách ly dài ngày không ra ngoài. Người dân “thu gom” hàng hóa, trong lúc sản xuất bị đình đốn, thì các nước đó cần nguồn cung rất lớn từ nhập khẩu.
Trong khi, hàng hóa sản phẩm của Việt Nam đầy đủ, đảm bảo an ninh lương thực, bà con yên tâm không lo thiếu thực phẩm và hàng tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy được cơ hội, sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ tìm mọi cách nhanh nhất để đến các thị trường các nước.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 7 tới, trước đây các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã chuẩn bị cho cuộc “xuất chinh” sang Châu Âu. Đến nay, dịch COVID-19 càng thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc, xem đây là cơ hội để đưa con tôm đến các nước.
Còn nhiều sản phẩm chủ lực ngoài tôm như cá da trơn và hải sản khác thuộc thế mạnh của Việt Nam. Thêm một kênh xuất khẩu không chỉ là giúp doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn này, mà còn là công ăn việc làm, thu nhập cho bà con nông dân và ngư dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Mặt hàng khẩu trang hiện đang cạn kiệt ở các nước bùng phát dịch, thì tại Việt Nam vẫn bảo đảm an toàn, cung cấp đầy đủ cho người dân. Kiểm soát được số lượng hàng phục vụ người dân trong nước, một số doanh nghiệp nhanh tay sản xuất, xuất khẩu sang các nước. Đây chính là nắm bắt cơ hội để giữ vững sản xuất và việc làm cho người lao động trong các doanh nghiệp dệt may. Trong lúc dịch bệnh đầy bất trắc này, tìm một kênh để xuất khẩu được hàng hóa là vô cùng quý giá.
Và sự xuất hiện hàng hóa sản phẩm Việt ở các thị trường lúc này cũng là một cơ hội để tiếp thị thương hiệu “Made in Việt Nam”.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/doanh-nghiep-viet-tim-thay-co-trong-nguy-792802.ldo
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)