E-magazine Độc đáo "bom núi lửa" ở Chư Đang Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Chuyên gia Lương Thị Tuất thông tin: Bộ sưu tập đầu tiên về “bom núi lửa” tại Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên mới ghi nhận khoảng 8 loại. Các nhà khoa học căn cứ hình dạng, kích thước để đặt tên từng loại như: bom quả bàng, bom dải (hay còn gọi là bom ruy băng), bom cannon, bom bánh mì… Tại khu vực núi lửa ở Chư Đang Ya, các nhà khoa học phát hiện được 6-7 loại “bom núi lửa” như vậy.

“Nếu như loại bom quả bàng khá phổ biến thì bom cannon là loại rất độc đáo. Suốt nhiều chục năm khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận loại bom cannon khá hiếm ở Việt Nam và cả thế giới. Đây là loại bom có kích thước lớn nhất trong các loại “bom núi lửa” được hình thành từ khối dung nham lớn. Núi lửa phun trào rất mạnh mới tung lên không trung được một khối vật thể to như vậy và khi rơi xuống thường gần với miệng núi nhất vì khối lượng nặng. Quá trình lăn trên thành núi xuống dưới, vỏ ngoài của bom cuốn theo một lượng dung nham lỏng và vụn tro xỉ làm gia tăng đáng kể kích thước”-bà Tuất chia sẻ.

 

Tại khu vực núi lửa Chư Đang Ya, dưới sự chỉ dẫn của người dân địa phương, các nhà khoa học đã tìm thấy một quả bom cannon có kích thước lớn ở sườn Đông Nam. Hiện “khối bom” này đang được đặt ở vị trí cao nhất để làm biểu tượng cho ngọn núi lửa. Nhiều du khách đến đây đã chụp hình check-in với “bom núi lửa” mang tính biểu tượng này.

 

Bà Tuất cho biết, việc núi lửa Chư Đang Ya có những mẫu vật về di sản thiên nhiên như vậy là rất quý giá. Cùng với núi lửa, “bom núi lửa” sẽ là những giáo cụ trực quan, sinh động để nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản thiên nhiên và bảo tồn di sản địa chất, phục vụ du lịch và phát triển kinh tế.

Trên thế giới, “bom núi lửa” được thu thập và trưng bày ở các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng núi lửa học, bảo tàng công viên địa chất và các khu di sản nhằm nâng cao tri thức cho cộng đồng. Du khách đến tham quan núi lửa Chư Đang Ya không chỉ thưởng ngoạn một cảnh đẹp tự nhiên do thiên nhiên ban tặng, nghe giới thiệu các truyền thuyết về loài hoa dã quỳ, núi lửa Chư Đang Ya, mà còn có những người quan tâm về mặt di sản, địa chất, khoa học tự nhiên, trong đó có nhiều học sinh phổ thông. Họ sẽ quan tâm đến cơ cấu hình thành núi lửa và “bom núi lửa” được tạo ra như thế nào. Cho nên hướng đi kết hợp giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hóa để khai thác du lịch, phục vụ nghiên cứu sẽ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho vùng đất này.

 
 

Có thể bạn quan tâm