Xã hội

Gia đình

Đợi... mùa Tết sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy thập niên trước, đất nước còn nghèo, người dân đa số còn rất khổ, làm lụng lam lũ đầu tắt mặt tối quanh năm suốt tháng mà nào có dư dả gì; tằn tiện lắm thì nhiều nhà may ra cũng sắm đủ vài ba thứ thật cần thiết cho 3 ngày Tết. Cán bộ, công chức, viên chức thì dựa vào sự cung cấp, phân phối của cửa hàng mậu dịch quốc doanh theo tem phiếu, tiêu chuẩn; tuy thế, nếu ai không “nhanh tay lẹ mắt” thì có khi phải sắp hàng rồng rắn cả người lẫn... gạch mất cả buổi trước cửa hàng nhưng rồi “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Người viết bài này là một trong những người hay gặp tình cảnh như thế vào dịp Tết bởi cái tính thật thà và thiếu kiên trì khi được “phân công” đi “trực cửa hàng”, thậm chí từ sớm tinh mơ.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Và, khi bị “tay trắng” thì chỗ dựa duy nhất còn lại là “chợ trời”. Gọi là “chợ” chứ thật ra người ta lợi dụng những chỗ đất trống, những vỉa hè rộng rồi tập họp lại từ những người buôn thúng bán mẹt, ai có gì bán nấy, nói chung là thượng vàng hạ cám. Gần nhà tôi bấy giờ ở hẻm đường Phan Bội Châu (thị xã Pleiku) có 5 gia đình sống cạnh nhau yên bình hòa thuận, trong đó có gia đình anh chị Huỳnh Phước là khó khăn nhất bởi anh làm công nhân cho một xưởng sản xuất đinh bán thủ công, việc làm không ổn định, thu nhập thấp, vợ anh thất nghiệp, lại có những... 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Thất nghiệp thì chị ấy ra... chợ trời. Thì ra, chợ trời lại là nơi giúp gia đình anh chị Phước vượt qua cơn bĩ cực. Có những cái Tết chị còn giúp các gia đình trong xóm nhỏ chúng tôi bổ sung những thứ mà theo phong tục tập quán là không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên và trong mâm cúng chiều cuối năm hay lúc giao thừa, mà khi ấy cửa hàng mậu dịch không thể đáp ứng hoặc... khổ chủ “tay trắng” như tôi. Cái thời xa xưa ấy, câu ca cũ vẫn nguyên giá trị, rằng: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, cho nên gì chứ “thịt mỡ”, tất nhiên dù ít, nhưng không thể thiếu; “tràng pháo, bánh chưng xanh” cũng càng không thể vắng bóng trong ngày Tết cổ truyền.
Thời ấy, khó khăn lắm mà mọi người cũng thương yêu quý trọng nhau rất nhiều. Đêm ba mươi, trước giao thừa, quanh nồi bánh chưng, bánh tét, những người đàn ông trong hẻm phố chúng tôi quây quần trò chuyện, chia sẻ bao điều về gia đình, người thân, công việc của năm cũ, dự định cho năm mới... Chỉ vài chén rượu nhạt đón đợi thời khắc chuyển giao của đất trời mà ai nấy đều thấy ấm lòng. Còn các bà, các chị, các em, từ những đêm hôm trước đó, đã tụ tập trước sân nhà, mỗi người mỗi việc, vừa làm vừa... tám, rôm rả về những chuyện đẩu đâu, từ trong nhà ra ngoài phố, từ việc đổ bánh thuẫn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, bí đỏ, người nào cũng thạo. Bọn trẻ thì quây quần quanh nồi bánh tét, chúng vô tư đùa giỡn, khoe nhau về những thứ mà nhà mỗi đứa có được, nhất là áo mới, dép đẹp, pháo nhiều... chờ giao thừa đến.
Bây giờ, việc sắm Tết đã đơn giản dần, “chợ trời” đã thuộc về dĩ vãng. Mọi thứ đều sẵn ngoài siêu thị, cửa hàng, kể cả trên... internet, thiếu thứ gì cũng khỏi lo, những nơi đó sẽ đáp ứng, thậm chí chiều ba mươi sắm cũng không muộn. Tiền bạc với đa số gia đình cũng không phải là chuyện lớn. Tuy nhiên, đâu đó kỷ niệm về những cái Tết thời khó khổ, thiếu thốn tứ bề mà niềm vui và lòng nhân ái, vị tha, nghĩa tình chòm xóm láng giềng... thì có thừa ấy, cứ gieo vào lòng lớp người như chúng tôi một ước mơ: Bao giờ cho tới ngày xưa? Lớp phụ nữ trẻ giờ cũng ít người thạo việc “nữ công gia chánh”, đơn giản những thứ cho 3 ngày Tết như gói bánh chưng, bánh tét; làm bánh thuẫn, bánh in, mứt gừng, mứt bí... không phải ai cũng có thể làm được. Cũng nói thêm, hồi đó do chưa phú quý nên lễ nghĩa cũng chừng mực, hội hè cũng có mức độ; người làm công ăn lương như chúng tôi, theo quy định chỉ được nghỉ 3 ngày, mùng 3 Tết là phải đi làm, cho nên cụm từ “3 ngày Tết” hay được dùng ngày đó là vậy.
Ngày nay, vào dịp Tết, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ dài ngày, lễ nghĩa, hội hè cũng lắm, nhiều tập tục cũ được phục hồi, tái hiện, “tập tục” mới phát sinh, phát triển; thậm chí không chỉ “mùng Bảy gãy nêu”, mà có khi là cả “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thành ra... mùa Tết. Mấy năm trở lại đây, Tết đến, Thủ tướng Chính phủ phải ra chỉ thị cấm cán bộ, công chức, viên chức “ăn Tết quá đà”. Nghỉ Tết dài ngày nên người già rỗi việc như lớp chúng tôi đôi khi hay lan man về những Tết cũ mà vẩn vơ thương nhớ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ quê, nhất là những người thân thích, bạn bè một thuở. Lâu lắm rồi, tôi chẳng còn liên lạc được với anh chị Phước nữa. Nghe tin anh đã mất từ thập niên trước bởi căn bệnh hiểm nghèo, chị và các cháu về quê Quảng Ngãi sinh sống. Mấy dòng lan man đón năm Kỷ Hợi, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người an vui, nhà nhà hạnh phúc, ấm no và cùng nhau đón đợi... mùa Tết sau.
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm