Tin tức

Donald Trump: Quyết định của Tòa có thể nguy hiểm cho an ninh Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tổng thống Mỹ Trump ngày 5-2 lên tiếng chỉ trích Thẩm phán James Robart và hệ thống Tòa án Mỹ vì đã ngăn chặn sắc lệnh cấm người nhập cư của ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP



“Hệ thống tư pháp Mỹ phải chịu trách nhiệm”

Trong một loạt tin nhắn trên tài khoản Twitter của mình, ông Trump không chỉ “tấn công trực diện” Thẩm phán Robart mà còn cả toàn bộ hệ thống Tòa án Mỹ và nhấn mạnh, họ phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra.

Tổng thống Trump cũng cho biết, ông đã yêu cầu Bộ An ninh Nội địa Mỹ phải “kiểm soát những người nhập cư vào Mỹ THẬT NGHIÊM NGẶT” và cáo buộc “Tòa án Mỹ đang khiến công việc của các nhân viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”.

Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã lên tiếng bảo vệ ông Trump và cho rằng: “Tổng thống Mỹ có quyền chỉ trích hệ thống Tư pháp”. Tuy nhiên, nhiều quan chức Đảng Cộng hòa không đồng tình với ông Pence và đã yêu cầu Tổng thống Mỹ cần phải “dịu giọng đi” khi nói về hệ thống Tòa án Mỹ.

Thủ lĩnh phe Đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nhấn mạnh: “Tôi không cho rằng, việc Tổng thống chỉ trích riêng một thẩm phán là điều tốt. Đôi lúc chúng ta thất vọng về một phán quyết của tòa án liên quan đến một vấn đề mà chúng ta quan tâm nhưng chúng ta cần tránh việc chỉ trích cá nhân một thẩm phán nào đó”.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse thậm chí còn tỏ ra gay gắt hơn: “Chúng ta không có cái gọi là các thẩm phán hay cái gọi là các tổng thống, chúng ta chỉ có các nhân vật làm việc cho 3 nhánh khác nhau của chính quyền, những người đã tuyên thệ sẽ tuyệt đối trung thành và bảo vệ cho Hiến pháp”.

Tình trạng hỗn loạn về mặt pháp lý

Theo các chuyên gia, phán quyết từ thẩm phán Robart bác bỏ yêu cầu của Chính phủ Mỹ trong việc ngay lập tức thiết lập lại lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ là một “đòn chí mạng” giáng vào ông Trump chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi ông nhậm chức Tổng thống.

Phán quyết của ông Robart cũng được cho là sẽ khởi đầu cho hàng loạt những thách thức pháp lý liên quan đến chính sách thắt chặt việc kiểm soát người nhập cư của ông Trump cũng như khiến cho việc chỉ định ông Neil Gorsuch trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ của ông Trump trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer tuyên bố, để được Thượng viện chấp thuận trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, ông Gorsuch sẽ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe hơn nhằm chứng tỏ rằng, ông có quan điểm độc lập với Tổng thống Donald Trump.

Tình trạng hỗn loạn về mặt pháp lý tại Mỹ hiện nay được cho là sẽ kéo dài ít nhất là cho đến khi Tòa Phúc thẩm Liên bang ra phán quyết liên quan đến phán quyết của Thẩm phán Robart. Hiện Tòa Phúc thẩm Liên bang đang chờ đợi các bang Washington và Minnesota và Chính phủ Liên bang gửi thêm tài liệu liên quan đến vụ việc này.

Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Robart đã lên tiếng hoài nghi việc ông Trump lấy lý vụ khủng bố 11/9 làm lý do để giải thích cho lệnh cấm nhập cư của mình. Theo ông Robart không có một vụ tấn công khủng bố nào xảy ra trên đất Mỹ được thực hiện bởi những người đến từ 7 quốc gia nằm trong lệnh cấm của ông Trump.

Thẩm phán Robart nêu rõ, để sắc lệnh cấm của ông Trump được coi là hợp pháp, sắc lệnh này “cần phải dựa trên những thông tin thực tế chứ không thể dựa trên những thứ mà người ta nghĩ ra”.

Hơn thế nữa, theo ông Robart, vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 được thực hiện bởi những kẻ khủng bố đế từ Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Lebanon- những nước không nằm trong lệnh cấm của ông Trump.

Các Bộ của Mỹ có quan điểm trái ngược nhau

Bộ Tư pháp Mỹ đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của ông Robart và cho rằng, phát quyết này vi phạm việc chia sẻ quyền lực giữa các cơ quan chính quyền và “lấn át” quyền lực của Tổng thống.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố họ sẽ tuân thủ phán quyết của ông Robart và đã bắt đầu tiếp nhận người nhập cư vào Mỹ trong ngày 5/2.

Người phát ngôn Tổ chức Di trú Quốc tế Leonard Doyle tuyên bố, khoảng 2.000 người tị nạn đã sẵn sàng cho việc được đặt chân đến Mỹ: “Chúng tôi hy vọng một số người tị nạn sẽ được tiếp nhận vào Mỹ trong ngày 6/2”.

Ông Fuad Sharef- một công dân Iraq- và vợ cùng 3 đứa con đã phải chờ đợi 2 năm để nhận được visa sang Mỹ. Họ đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ tuần trước nhưng buộc phải hoãn lại sau khi bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Đến ngày 5/2, gia đình này lại lên đường bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến New York. “Chúng tôi cảm thấy rất phấn khích và hạnh phúc. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã được chấp thuận để vào Mỹ”, ông Sharef nói.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm