Thời sự - Bình luận

Đồng bộ giải pháp chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 trên cả nước đang giảm nhiều. Kết quả bước đầu này thể hiện sự đồng lòng của người dân và nỗ lực từ Trung ương tới địa phương trong cuộc chiến với dịch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều nguy cơ khó lường. Ngay cả các nước có tiềm lực kinh tế vẫn bị động, khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, chúng ta cần nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường của dịch Covid-19, phải đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối mà phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Rõ ràng, khi biến chủng Delta vẫn lây lan mạnh mẽ, để thích ứng với dịch Covid-19 hiện tại và tương lai, đòi hỏi chiến lược phòng chống cần có sự điều chỉnh, đồng bộ, thống nhất các giải pháp từ Trung ương tới địa phương và giữa các bộ, ngành với nhau.

Để kiềm chế và từng bước kiểm soát được dịch bệnh, yêu cầu hàng đầu là tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, bao gồm xét nghiệm trọng điểm, điều trị hiệu quả và bao phủ vaccine trong dân số ở mức rộng nhất có thể. Cùng với tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K, 5T, chúng ta cần có những điều chỉnh tích cực, hình thành các mô hình chung sống an toàn với dịch bệnh; thực hiện giãn cách xã hội ở những khu vực phức tạp nhằm làm chậm lây nhiễm nhưng cần thực hiện nguyên tắc phong tỏa ở diện hẹp nhất, nhỏ nhất để hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục sản xuất, kinh doanh cần theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát, tránh nóng vội, chủ quan.

Dịch Covid-19 kéo dài đặt ra thách thức lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nên cần phải có tư duy, cách làm đột phá và nỗ lực để vượt qua, tiến tới phục hồi và phát triển. Hơn nữa, khi đã xác định quan điểm sống chung với dịch bệnh, đòi hỏi các bộ, ngành cần sớm tham mưu, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về phòng chống dịch trong tình hình mới; quy định thống nhất trong toàn quốc các tiêu chí, điều kiện về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Chỉ thị mới này sẽ thay thế Chỉ thị 15, 16 được ban hành đầu năm 2020 khi chưa có biến chủng Delta và vaccine.

Cùng với đó, với tốc độ bao phủ vaccine Covid-19 ngày càng cao, đòi hỏi cần có cơ chế đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu cấp thiết là sớm thống nhất một phần mềm quản lý, khai báo phòng chống dịch và một mã quét QR để những người ra đường mưu cầu sinh kế không còn gặp khó khăn; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc bảo đảm sản xuất và an toàn phòng dịch; có cơ chế trao quyền chủ động về mô hình, phương thức tổ chức sản xuất, cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức và doanh nghiệp; không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp. Đồng thời, cần nghiêm cấm các địa phương và cơ quan chức năng ban hành các quy định không phù hợp, không đúng thẩm quyền gây cản trở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.

Kết quả kiểm soát dịch bệnh, triển vọng phục hồi kinh tế trong tình hình mới, phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp hài hòa các giải pháp toàn diện từ tất cả các cấp, ngành, đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị và kết hợp với ý thức tuân thủ quy định phòng ngừa dịch bệnh, năng lực ứng chịu, tự lực tự cường vượt qua khó khăn của từng người dân, doanh nghiệp.

Theo NGUYỄN QUỐC (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm