Nhà máy điện hạt nhân Bushehr. |
Một cơn địa chấn mạnh hôm qua xảy ra tại miền nam của Iran, làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho hay trận động đất mạnh 5 độ Richter xảy ra lúc 9h40 theo giờ địa phương. Tâm chấn của nó nằm cách nhà máy Bushehr khoảng 70 km về phía tây nam và ở độ sâu chỉ khoảng 10 km.
Hiện chưa có thông tin nào về thiệt hại người và vật chất do cơn địa chấn gây ra đối với nhà máy điện hạt nhân của Iran, vốn rất được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Bushehr là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia Hồi giáo. Nhà máy này có tổng đầu tư xây dựng là 1 tỷ USD, công suất tối đa 1.000 megawatt, nằm cách thủ đô Tehran hơn 1.000 km về phía nam. Iran hy vọng Bushehr sẽ khởi đầu cho một mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân của quốc gia, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Bushehr được khởi công xây dựng vào năm 1975 bởi một số công ty của Đức. Tuy nhiên, việc xây dựng bị ngừng lại sau khi một lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt ngăn việc cung cấp thiết bị công nghệ cao cho Iran, sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở nước này năm 1979 và vụ đại sứ quán Mỹ bị bao vây ở Tehran.
Sau đó, dự án được các kỹ sư người Nga tiếp quản năm 1995 và tiếp tục bị trì hoãn nhiều năm vì vấn đề kỹ thuật và sự phản đối gay gắt của các nước phương Tây. Các nước này lo ngại Iran phát triển chương trình hạt nhân nhằm chế tạo vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ cáo buộc này.
Trận động đất tồi tệ nhất từng xảy ra ở Iran vào tháng 6/1990 với cường độ lên tới 7,7 độ Richter. Khoảng 37.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người bị thương tại các tỉnh miền bắc Gilan và Zanjan. Cơn địa chấn phá hủy 27 thị trấn và khoảng 1.870 làng mạc.
Theo vnexpress