Khi đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về các giải pháp để cán bộ “không muốn, không dám và không thể tham nhũng” tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đưa ra ba giải pháp. Trong đó, ông Trí nhấn mạnh: Để cán bộ, công chức “không muốn” tham nhũng, cần chế độ chính sách đãi ngộ tốt hơn vì “cán bộ nếu tự sống vào đồng lương của mình thì hết sức khó khăn”.
“Một tỉ lệ sống được cũng nhờ vào các nguồn khác. Có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng… Tức là có sự hỗ trợ để hoàn thành công việc, còn chế độ như hiện nay thì cán bộ rất khó khăn, đặc biệt là cấp cơ sở”- ông Lê Minh Trí bày tỏ.
Chế độ đãi ngộ, cụ thể là đồng lương cho cán bộ an tâm công tác. Nhưng vấn đề đặt ra là đối với lực lượng cán bộ công chức, viên chức không chỉ là “yên tâm công tác” mà còn phải là những người có chuẩn mực đạo đức công vụ.
Bộ Nội vụ vừa dự thảo Quy tắc đạo đức công vụ và đưa ra yêu cầu về tính chính trực, liêm chính: Khi thực hiện công việc chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức phải trung thực, trách nhiệm, thẳng thắn, không bao che các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức. Không được lợi dụng vị trí công tác, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân; không để các thành viên gia đình, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác liên quan đến công việc, nhiệm vụ do cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đối với cán bộ thì yêu cầu về đồng lương hay đạo đức công vụ được ưu tiên? Sẽ lại là câu chuyện con gà quả trứng và một thực tế thấy rất rõ ràng là: Cán bộ lương cao vẫn có thể tham nhũng nhưng cán bộ có đạo đức công vụ chắc chắn không tiêu cực.
Bộ Nội vụ cũng là nơi được Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể về cải cách tiền lương, phụ cấp mới, đặc biệt là cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27.
Đạo đức không thể nói suông và đồng lương phải tạo ra động lực.
Cần các giải pháp đồng bộ để cán bộ “không thể”, “không dám” và “không muốn” tham nhũng, tiêu cực và cao hơn, phải hướng đến sự chuẩn mực về đạo đức công vụ trong quá trình phục vụ đất nước, phục vụ người dân.