Tin tức

Đông Nam Á đổi chiến lược chống Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngay cả Singapore, quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng hàng đầu thế giới, cũng chật vật vì đợt bùng phát Covid-19 hiện tại

Với tỉ lệ tiêm phòng thấp, Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất vì biến thể Delta và đang chịu đựng những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Dù vậy, với nguồn lực tài chính và sức mạnh của các chính sách tiền tệ đang cạn dần, lệnh phong tỏa không còn là giải pháp phù hợp.

"Đó là một sự cân bằng khó khăn giữa sinh mạng và sinh kế" - chuyên gia kinh tế Krystal Tan của Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group (Úc) khẳng định, đồng thời nhấn mạnh ngay cả Singapore, quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng hàng đầu thế giới (hơn 81% dân số), cũng đang chật vật vì đợt bùng phát hiện tại.

Theo Bloomberg, việc các nhà máy ở Đông Nam Á phải đóng cửa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các hãng ôtô như Toyota (Nhật Bản) cắt giảm sản lượng trong khi các công ty thời trang bán lẻ như Abercrombie & Fitch (Mỹ) cảnh báo tình hình đang "vượt tầm kiểm soát".

 

Một cửa hàng bán quà lưu niệm vắng hoe ở Chinatown - Singapore hôm 30-8 Ảnh: REUTERS
Một cửa hàng bán quà lưu niệm vắng hoe ở Chinatown - Singapore hôm 30-8. Ảnh: REUTERS


Tỉ lệ tử vong hằng ngày tại nhiều nước Đông Nam Á đã vượt mức trung bình toàn cầu song nhiều quan chức trong khu vực lo ngại nền kinh tế có thể sụp đổ nếu các biện pháp hạn chế bị kéo dài quá lâu. Malaysia đã cắt giảm 50% dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021, xuống còn 3%-4% giữa lúc số ca nhiễm hằng ngày tăng kỷ lục. Hy vọng hồi sinh ngành du lịch mũi nhọn của Thái Lan cũng bấp bênh.

Theo chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp (Singapore), nền kinh tế của các nước Đông Nam Á suy yếu bởi những đợt phong tỏa liên tiếp trong khi người dân ngày càng kiệt quệ. "Mọi hy vọng về việc tái mở cửa biên giới sâu rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại và du lịch trên khắp Đông Nam Á hiện là giấc mơ xa vời" - ông Wiranto khẳng định.

Đó là lý do ngày càng nhiều quốc gia Đông Nam Á thay đổi chiến lược, chuyển sang xem Covid-19 là một "căn bệnh đặc hữu". Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã học tập hướng tiếp cận của Singapore để "chung sống với virus" thay vì "loại bỏ tận gốc Covid-19" như Trung Quốc.

Theo báo cáo được Công ty S&P Global Ratings (Mỹ) công bố vào tuần rồi, chiến lược "không Covid-19" của Trung Quốc có thể làm tồi tệ thêm tình trạng nợ nần của các công ty ở nước này. Để đối phó với đợt bùng phát mới, giới chức Trung Quốc đã triển khai xét nghiệm quy mô lớn ở một vài thành phố, áp lệnh kiểm soát ra - vào thủ đô Bắc Kinh bên cạnh hàng loạt biện pháp hạn chế khác.

Theo Công ty S&P Global Ratings, dù có thể làm giảm số ca nhiễm nhưng những biện pháp này sẽ dẫn đến tình trạng gián đoạn quy mô lớn trên cả nước.

Trái với Đông Nam Á, châu Âu đã đi được những bước dài trong hành trình tái mở cửa kinh tế. Trong buổi phỏng vấn với đài BBC vào cuối tuần rồi, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết chính phủ nước này sẽ dừng kế hoạch triển khai "thẻ xanh vắc-xin Covid-19" và có thể sớm hủy bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách quay lại từ nước ngoài.

Đây là một phần trong kế hoạch mới nhằm nới lỏng phong tỏa hơn nữa giữa lúc số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 vẫn ở mức thấp - dù số ca nhiễm hằng ngày ở mức cao. Cũng theo Bộ trưởng Javid, quốc gia của ông đang trên đà khởi động chương trình tiêm bổ trợ vào tháng này. Đến thời điểm này, hơn 80% dân số trên 16 tuổi ở Anh đã được tiêm đầy đủ.

Theo CAO LỰC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm