Thời sự - Bình luận

"Đột quỵ" với... lan đột biến!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày qua, dư luận xôn xao với thương vụ bán một cây hoa lan với tên Ngọc Sơn Cước ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với giá 250 tỉ đồng. Quá bất thường, công an và ngành thuế thị xã Đông Triều đã phải vào cuộc điều tra.

250 tỉ đồng với một cây lan cao chừng gang tay thì nếu so trọng lượng, nó đắt hơn vàng, cạnh tranh được với cả kim cương. Chẳng ai chứng minh được giá trị thật sự của cây lan này ngoài tin đồn và chiêu trò làm giá để chờ con mồi vào bẫy.

Nghe đã choáng nhưng số tiền trên chẳng là gì so với một buổi chuyển giao cây lan đột biến ở tỉnh Hòa Bình với giá lên đến 1.400 tỉ đồng. Buổi chuyển nhượng được đặt tại một nhà hàng sang trọng, có MC xinh đẹp và viễn cảnh bán lại cây lan này với giá còn hoang tưởng hơn nữa. Kế đó, một vụ bán lan đột biến có tên Juliet có giá 83 tỉ đồng. Gần đây nhất, ngày 19-3, tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, một nhóm người chuyển nhượng 8 cây lan đột biến với nhau, có tổng giá hơn 41 tỉ đồng.

Những cây lan trên thuộc dòng lan dã hạc thân thòng, phổ biến ở các vùng nhiệt đới, đặc biệt là Đông Nam Á. Phong trào kích giá lan dã hạc với đủ tên gọi tự đặt chỉ xuất hiện rầm rộ chưa tới 10 năm qua và đặc biệt "điên rồ" chỉ khoảng 3 năm trở lại đây. Còn trước đó, dòng lan này chỉ lẩn khuất trong các vườn hoặc thợ rừng mang về bán từng bó chỉ vài chục ngàn đồng. Hoa loài này tuy đẹp nhưng cũng không đến nỗi soán ngôi của các dòng nổi tiếng khác như lan Cat (Cattleya), denro (Dendrebium), vũ nữ (Oncidium lexuosum)... vốn đã được các nhà trồng lan nổi tiếng thế giới chăm chút cả trăm năm qua.

Thực hư giá trị cây lan như thế nào còn cần các chuyên gia về kinh tế, thực vật học... phân tích nhưng có lẽ các con số cả trăm, cả ngàn tỉ đồng cho một cây hoa đã quá mức phi lý và vượt qua cả sự mê cuồng của một thú vui. Những nghi ngờ về việc tạo thị trường ảo, làm giá, mồi bẫy không phải là không có cơ sở khi tận mắt chứng kiến những cây lan đơn giản như trên. Hơn nữa, tất cả những nước và vùng lãnh thổ có ngành nông nghiệp trồng lan chuyên nghiệp nổi tiếng như Thái Lan, Đài Loan, Nhật, Mỹ... cũng không mấy chú tâm đến loại lan này. Nó càng vắng bóng ở các cuộc triển lãm hoa lan khu vực và quốc tế bởi không thể cạnh tranh được với những dòng lan tuyệt hảo mà các nước đang bảo tồn và lai tạo. Nó chỉ được thổi giá ở một số nhóm người tại Việt Nam, trong bối cảnh có thể lôi kéo những người muốn nhảy vào kiếm lợi khủng bằng một cây hoa.

Cơn sốt này đang gây bão nên nhiều người đang lao vào với mộng làm giàu qua một đêm. Không thiếu kẻ nhân cơ hội này nhúng tay lừa đảo. Vào tháng 8-2020, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt một nhóm người bán lan đột biến giả mạo cho 4 người lấy gần 1 tỉ đồng. Với sự hấp dẫn tiền tỉ này, e rằng danh sách nạn nhân sẽ còn tiếp tục.

Sự phi lý này ai cũng thấy, ai cũng hoài nghi nhưng cũng không thiếu người hy vọng mình nhanh tay mua rồi bán lại để đổi đời. Nếu bị lừa thì viễn cảnh trắng tay không xa; mất nhà, mất cửa, nợ nần nheo nhóc cũng không lạ. Thậm chí ôm cây lan đột biến vài chục tỉ đồng mà không tìm được người mua thì có khi... "đột quỵ".

Theo HỒ PHI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm