Tin tức

Dự án bom nguyên tử của Hitler thất bại như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong Thế chiến II, Đức Quốc xã đã có tham vọng phát triển bom nguyên tử. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, kế hoạch đó đã thất bại. Trong đó, các chiến dịch phá hoại của Đồng minh đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đè bẹp cỗ máy chiến tranh Đức nói chung và tham vọng bom nguyên tử của Hitler nói riêng.
 
Những năm trước và trong Thế chiến II đã chứng kiến ​​một cuộc đua giữa Đức và Mỹ để phát triển vũ khí nguyên tử. Mặc dù ý tưởng về phản ứng phân hạch được đề cập lần đầu tiên vào năm 1934, nhưng phải đến bốn năm sau, các thí nghiệm mới xác nhận hiện tượng này bằng cách sử dụng Uranium. Hai phương pháp điều hòa năng lượng neutron bị mất bởi sự bắn phá Uranium cần đến nước nặng hoặc than chì. Nước nặng, hay Deuterium, trông giống như nước thường, được phát hiện vào năm 1933. Đức cuối cùng quyết định sử dụng nước nặng trong lò phản ứng hạt nhân để tạo ra Plutonium-239 cần thiết trong nghiên cứu vũ khí.
Một phương pháp sản xuất nước nặng là tách chúng ra khỏi nước thường bằng phương pháp điện phân. Phương pháp này đòi hỏi buồng điện phân và một lượng điện năng đáng kể. Nguồn cung cấp nước nặng cho các nhà khoa học trên khắp thế giới thời đó đến từ một nhà máy thủy điện do Norsk Hydro điều hành, nằm gần Rjukan ở vùng Telemark của Na Uy.
Đến cuối tháng 1.1940, Đức đã bắt đầu mua nước nặng từ Norsk Hydro thông qua hãng IG Farbenindustrie Aktiengesellschaft. Ngay lập tức, lực lượng Tình báo Quân đội Pháp đã tiến hành chiến dịch nhằm loại bỏ nguồn cung cấp nước nặng từ Norsk Hydro. Lượng nước nặng lên tới 44,25 gallon (khoảng 167,5 lít). Sau một nhiệm vụ nguy hiểm, toàn bộ số nước nặng đã được đưa ra khỏi Na Uy và được đưa đến Falmouth (Anh) bằng một tuyến đường vòng: Từ Oslo (Na Uy) đến Perth (Scotland), rồi tiếp đến lần lượt tới Paris, Bordeaux (Pháp) và sau đó mới là Falmouth.
Bất chấp thành công này, các chỉ huy và tổ chức tình báo của quân Đồng minh tin rằng người Đức sẽ sử dụng Norsk Hydro để tiếp tục các hoạt động sản xuất nước nặng nhằm cung cấp đủ nguồn cung để sử dụng trong chương trình nghiên cứu vũ khí của họ. Đặc nhiệm Anh (SOE) được giao trọng trách lên kế hoạch và triển khai các chiến dịch nhằm hạn chế và chấm dứt việc sản xuất nước nặng tại Norsk Hydro, cũng như triển khai nhiều nhiệm vụ mật và các chiến dịch phá hoại khác.
 
Biệt kích Anh, năm 1942
Giai đoạn đầu tiên, bí danh Chiến dịch Grouse, được tiến hành vào đêm 18 rạng sáng 19.10.1942. Trong chiến dịch này, bốn người Na Uy (Knut Haugland, Arne Kjelstrup, Jens-Anton Poulsson và Claus Helberg) đã nhảy dù xuống cao nguyên Hardanger, nằm ở vị trí cao và gần nhà máy thủy điện Norsk Hydro. Nhiệm vụ của họ là thu thập thông tin tình báo (bao gồm ăn cắp các bản thiết kế nếu có thể) liên quan đến nhà máy và các hoạt động sản xuất nước nặng.
Thông tin mà nhóm Grouse thu thập đã được gửi lại cho SOE để sử dụng trong việc lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của chiến dịch. Giai đoạn này bí danh là Chiến dịch Freshman. Trong chiến dịch này, một nhóm công binh chiến đấu từ Sư đoàn nhảy dù số 1 của Anh đã được đưa đến Na Uy bằng tàu lượn để phối hợp với đội Grouse.
Theo kế hoạch, họ sẽ dung thuốc nổ để phá hủy ở các bộ phận chính của nhà máy thủy điện Norsk Hydro nhằm phá hủy kho trữ nước nặng của nó, sau đó trốn thoát từ Na Uy đến Thụy Điển. Nhóm Freshman rời Anh vào đêm 19.11.1942.
Điều kiện thời tiết ở bãi thả trong đêm đó là vô cùng tồi tệ. Hậu quả là hai nhóm đã không liên kết được với nhau. Một trong những máy bay ném bom Halifax dùng để kéo tàu lượn đã đâm vào một ngọn núi, toàn bộ phi hành đoàn hy sinh. Trước đó không lâu, chiếc tàu lượn đã tự tách ra nhưng cũng bị đâm xuống đất, gây thương vong rất lớn cho nhóm công binh. Một chiếc tàu lượn khác cũng bị đâm, gần như toàn bộ binh lính bên trong hy sinh. Chiếc Halifax thứ hai may mắn thoát về Anh và hạ cánh an toàn. Tất cả những thành viên phi hành đoàn còn sống sót đã bị quân Đức bắt, tra tấn, hỏi cung và cuối cùng bị sát hại.
 
Sơ đồ vị trí chiến đấu trên máy bay ném bom Halifax
Người Đức từ lâu đã rất lưu tâm đến những sự kiện tương tự. Ngày 19.10.1942, Adolf Hitler đã ban hành Lệnh Biệt kích (Kommandobefehl). Lệnh này tuyên bố rằng tất cả các biệt kích của quân Đồng minh mà quân Đức bắt được sẽ bị giết ngay lập tức, bất kể họ mặc quân phục hay cố gắng đầu hàng. Việc không thể thực thi mệnh lệnh này sẽ được coi như phạm tội lơ là nhiệm vụ theo quân luật.
Sau chiến dịch Freshman, người Đức nhận ra sự chú ý của Đồng minh đối với các hoạt động liên quan đến nước nặng tại Norsk Hydro. Các kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ vành đai tại nhà máy ngay lập tức được triển khai.Việc này bao gồm rải mìn xung quanh nhà máy, đặt đèn pha trên vành đai và tăng cường quân số bảo vệ. Tuy nhiên, những nỗ lực này không làm SOE chùn bước.
Các nhà kế hoạch đã nghiên cứu các phương án khác để biệt kích có thể liên kết với nhóm Grouse, lúc này đã đổi bí danh thành nhóm Swallow. Bốn người lính của nhóm Swallow phải ần mình vài tháng ở vùng núi phía trên nhà máy thủy điện, tiếp tục duy trì liên lạc với SOE ở London bằng radio. Họ phải nỗ lực để sinh tồn bằng bất kể thứ gì khả dụng.
SOE cuối cùng đã hoàn thiện các kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, có bí danh Chiến dịch Gunnerside. Trong giai đoạn này, sáu lính biệt kích Na Uy (Joachin Ronneberg, Knut Haukelid, Fredrik Kayser, Kasper Idland, Hans Storhaug và Birger Stromsheim) đã nhảy dù xuống Na Uy vào đêm 16 rạng sáng 17.2.1943. Vài ngày sau, nhóm Gunnerside liên kết với nhóm Swallow và họ bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào nhà máy. Họ quyết định tấn công vào đêm 27 rạng sáng 28.2.1943.
 
Nhà máy thủy điện của Norsk Hydro, ảnh chụp năm 1935
Nhiều tháng sau thất bại của Chiến dịch Freshman, an ninh dần nới lỏng. Đèn pha và bãi mìn vẫn được giữ nguyên nhưng lính canh đã trở nên lơi là hơn. Tuy nhiên, cây cầu duy nhất bắc qua khe núi dài 246 feet (gần 75m) cắt ngang sông Maan vẫn được bảo vệ tối đa.
Do đó, nhóm biệt kích đã quyết định rằng cách tiếp cận tốt nhất của họ là trèo xuống khe núi sâu 656 feet (gần 200m), băng qua dòng sông băng giá, và sau đó leo lên phía bên kia của khe núi dốc. Sử dụng thông tin thu được về nhà máy, nhóm biệt kích tìm thấy và men theo một đường ray để vào khu vực nhà máy mà không bị bất kỳ lực lượng bảo vệ nào phát hiện.
Khi vào được nhà máy, họ gặp một nhân viên bảo dưỡng người Na Uy, và được người này giúp đỡ trong những bước đi tiếp theo. Họ di chuyển nhanh chóng đến khu vực đặt các buồng điện phân nước nặng và đặt thuốc nổ vào vị trí. Cầu chì đặt giờ được gắn vào thuốc nổ, sau đó nhóm biệt kích kích hoạt cầu chì và rời đi.
Họ để lại một khẩu súng tiểu liên của Anh với hy vọng người Đức sẽ cho rằng vụ phá hoại là do quân Anh tiến hành, nhằm ngăn chặn bất kỳ sự trả thù nào của Đức nhắm vào dân địa phương.
Một sự cố bất ngờ xảy ra ngay khi họ sẵn sàng bật cầu chì: Người nhân viên bảo dưỡng đã ngăn họ lại vì anh này để mất kính của mình! Vì kính mắt thời điểm đó rất khó kiếm, nên nhóm biệt kích phải dừng lại và may mắn tìm thấy chiếc kính. Sau đó, họ bật cầu chì và rời khỏi nhà máy trên cùng con đường họ sử dụng để đi vào.
Sau khi họ rút lui sạch sẽ khỏi nhà máy, vụ nổ xảy ra. Các buồng điện phân nước nặng đã bị phá hủy chứa gần 120 gallon (khoảng 450,2 lít) nước nặng.
Người Đức sau đó phát động một chiến dịch tìm diệt toàn diện nhưng không tìm thấy bất kỳ ai trong số lính biệt kích. Một số người đã trốn sang Thụy Điển, một số đi đến Oslo và một số bám lại trong vùng Telemark. Knut Haugland là thành viên duy nhất bám trụ ở ngay gần khu vực nhà máy.
Mặc dù chiến dịch được coi là thành công, nhưng chỉ sau vài tháng, người Đức đã có thể sửa chữa một số thiệt hại và tái khởi động việc sản xuất nước nặng vào tháng 4.1943. SOE nghiêm túc xem xét việc tiến hành một cuộc đột kích khác vào nhà máy nhưng phải bỏ qua ý đồ vì việc triển khai một chiến dịch như vậy lúc này đã khó khăn hơn rất nhiều.
Vào tháng 11.1943, Lực lượng Không quân Quân đội Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ đánh bom nhà máy. Mặc dù chỉ một trong bảy quả bom được thả thực sự đánh trúng mục tiêu, nhưng cuộc đột kích này cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho nhà máy. Cuối cùng, người Đức quyết định tạm dừng các hoạt động liên quan đến nước nặng tại nhà máy thủy điện Norsk Hydro và chuyển nguồn nước nặng sang Đức. Việc lập kế hoạch và thực hiện được tiến hành với an ninh rất chặt chẽ. Trong đó, có một giai đoạn mà nước nặng sẽ được đưa qua Hồ Tinnsjo ​​trên một chiếc phà với tên gọi SF Hydro.
 
 Knut Haugland
Knut Haugland biết được kế hoạch di chuyển số nước nặng và bắt đầu lên kế hoạch cho một chiến dịch mới. Cuối cùng ông quyết định rằng giai chở hàng trên phà là cơ hội tốt nhất. Với sự hỗ trợ của một số thành viên kháng chiến địa phương và một thủy thủ đoàn trên phà, Haugland đã lẻn lên phà trước khi khởi hành và đặt chất nổ dẻo lên sống thuyền. Vào ngày 20.2.1944, ngay sau khi rời bến, SF Hydro đã phát nổ. Vụ nổ xé toạc chiếc phà và nó chìm xuống một trong những chỗ sâu nhất của hồ.
Các chiến dịch tương hỗ diễn ra đồng thời ở Na Uy cũng được triển khai thành công. Chương trình phát triển nước nặng của Đức cuối cùng đã bị chặn đứng.
Knut Haugland sau đó chạy sang Anh, sau nhiều lần trốn thoát trong gang tấc khỏi cảnh sát mật Gestapo của Đức. Nhờ hành động trong các cuộc đột kích, ông đã được trao tặng Huân chương Chữ thập Chiến tranh với Thanh kiếm (War Cross with Sword), huân chương cao quý nhất của Na Uy dành cho sự dũng cảm. Năm 1947, Haugland tham gia vào cuộc thám hiểm Kon Tiki, với mục tiêu băng qua một phần của Thái Bình Dương trên một chiếc bè gỗ theo hướng từ Đông sang Tây. Cuộc thám hiểm thành công vang dội. Và cho đến khi ông qua đời vào tháng 12.2009, ông là thành viên cuối cùng còn sống của đoàn thám hiểm Kon Tiki.
Dân Việt (Theo Huy Đức/Theo Military History Online)

Có thể bạn quan tâm