E-magazine Du lịch ngoại ô Phố núi: Nhiều tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Vườn nhà ông Ngoại (354 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku)-một điểm du lịch nông nghiệp đúng nghĩa vừa đưa vào hoạt động trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 nhưng đã chiếm trọn tình cảm của du khách. Nằm dưới thung lũng với view rừng thông, đồng lúa, ao sen, điểm du lịch này có không gian nông thôn đặc trưng, kết hợp hoàn hảo giữa 2 yếu tố giải trí và làm nông nghiệp. Du khách đến đây vừa có cơ hội lưu lại những hình ảnh đẹp, vừa có thể tham gia vào quy trình sản xuất, thu hoạch rau quả mang về. Chủ vườn Nguyễn Ngọc Vận chia sẻ: “Đây vốn là mảnh đất được cha mẹ tôi trồng các loại rau và cây gia vị. Tuy nhiên, bao nhiêu năm làm nông nghiệp đơn thuần, bố mẹ tôi chỉ lấy công làm lời. Quanh năm làm lụng vất vả nhưng sản phẩm lại phụ thuộc vào thị trường nên thu nhập khá bấp bênh. Nhưng cũng trên chính mảnh đất này, chúng tôi kết hợp với dịch vụ du lịch đã làm gia tăng giá trị rất lớn cho nông nghiệp”.

 

Để tạo điểm nhấn thu hút du khách, anh Vận trồng thêm các loài hoa hướng dương, hoa đào, hồng leo… để mọi người chụp ảnh. Ngoài ra, kinh nghiệm làm nông nghiệp của gia đình đã tạo nên những luống rau, bí ngòi, lagim tươi tốt để khách có thể tự tay thu hái mang về. Riêng loài hoa hướng dương hết mùa sinh trưởng sẽ cho thu hạt. Vườn sẽ tổ chức để khách thu hoạch các đài hoa tại ruộng, tự tay sấy, rang hạt và thưởng thức tại chỗ.

 

Anh Vận chia sẻ: “Vườn đón từ 50 đến 100 lượt khách mỗi ngày, giá vé dịp Tết là 20 ngàn đồng/người, nhưng ngày thường chỉ 10 ngàn đồng, riêng trẻ em hoàn toàn miễn phí. Sắp tới, chúng tôi có hình thức cho thuê đất để các gia đình ở thành phố đưa con cái tới trải nghiệm làm nông nghiệp. Ở đây chuẩn bị sẵn dụng cụ làm nông, rau giống, phân bón… khách chỉ việc tự tay trồng những loại rau yêu thích, theo dõi cây rau lớn lên từng ngày và chờ tới mùa thu hoạch”. Với giá cho thuê 1 luống đất để trồng rau là 600 ngàn đồng, anh Vận cho biết cả người cung cấp và sử dụng dịch vụ đều được hưởng lợi. Mỗi luống đất được chia thành 9 ô, mỗi ô trồng 1 loại rau khác nhau để tạo sự đa dạng. “Khách hoàn toàn sở hữu luống đất mình thuê trong suốt quá trình trồng rau, ngoài giá trị của việc được trải nghiệm thì còn có nguồn rau sạch để ăn. Còn người nông dân có thêm nguồn thu nhập trên đất đai của mình”-anh Vận cho biết.

 

Đến Vườn nhà ông Ngoại, chị Hoàng Thị Thùy (đường Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) như tìm lại những ký ức thân thương với gốc gác con nhà nông của mình: “Tự tay thu hoạch rau màu là cảm giác rất đặc biệt, những người từng làm nông như tôi càng có nhiều cảm xúc. Tôi sẽ đưa các con tới đây thuê đất để các cháu làm nông nghiệp, trải nghiệm việc trồng trọt vào cuối tuần. Hoạt động này vừa giúp các con rời xa thiết bị điện tử, vừa được hít thở bầu không khí khoáng đạt trong lành và biết trân trọng thành quả lao động”.

 

Du lịch tại chỗ, gần nơi sinh sống và lựa chọn những không gian thông thoáng, gần gũi thiên nhiên là xu hướng thời kỳ hậu Covid-19. Trước nhu cầu rất lớn này, ngày càng có nhiều người dân Gia Lai tham gia phát triển du lịch với các mô hình đánh trúng vào thị hiếu của du khách địa phương. Trước mô hình Vườn nhà ông Ngoại, có thể kể đến các điểm du lịch khá hot như: Vườn nhà Thóc (hẻm 126 Phạm Hùng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku), Mai Châu Garden (hẻm 227 Ngô Quyền, TP. Pleiku)…

 

Ấn tượng trước các điểm du lịch mới ở địa phương, chị Hoàng Thị Thu Thảo (hẻm Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) kể: “Nhớ khoảng vài năm trước, khi đi du lịch Đà Lạt nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới, tôi nói với chồng bao giờ Gia Lai mới có những vườn hoa, vườn dâu tây như ở Đà Lạt để không cần phải đi xa mà vẫn có ảnh đẹp, lại trải nghiệm được du lịch nông nghiệp. Bây giờ, Gia Lai đã có những khu vườn đẹp như cổ tích với cách làm du lịch khá thân thiện với môi trường”. Còn chị Trương Thị Quỳnh Hoa (thị trấn Chư Sê) cho biết: Dịp Tết Nhâm Dần, gia đình chị lên Pleiku du xuân và ghé thăm một vài địa điểm vườn hoa, dâu tây gần trung tâm thành phố để chụp ảnh và “thích mê” những nơi này. “Tôi và các con chụp ảnh mãi không chán trước muôn sắc hoa ở Vườn nhà Thóc. Vì vậy, ngày cuối tuần đầu tiên của năm mới, tôi tiếp tục rủ hội bạn thân lên đây chụp ảnh. Từ huyện Chư Sê lên đây, nhưng tôi có cảm giác như mình đã được đi một chuyến du lịch ngắn, thỏa mãn cảm giác được xê dịch”-chị Hoa nói.

 

Mỗi du khách khi đến các điểm đến này đều có những khung hình đẹp mãn nhãn nên sức lan tỏa của các điểm du lịch kể trên lan tỏa trên mạng xã hội Facebook nhanh chưa từng có. Đây cũng là một lợi thế về mặt quảng bá các điểm du lịch tư nhân. Việc ngày càng có nhiều người dân bắt tay làm du lịch cũng đã tạo nên sự đa dạng, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn. 

 
 

Có thể bạn quan tâm