Cùng với TP.HCM, TP.Đà Nẵng lâu nay cũng đã phát triển các trang mạng xã hội (MXH) trong hệ thống các cơ quan Nhà nước để tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm.
Hiệu quả của các hoạt động này cho thấy xu hướng tất yếu áp dụng mạng xã hội thành kênh tương tác thuận tiện với công dân.
Hiện nay, việc lập các trang Facebook, nhóm Zalo cho đơn vị tại TP.Đà Nẵng ngày càng phổ biến, từ Cổng thông tin điện tử thành phố, lực lượng công an, biên phòng, đến xã phường cũng có kênh tương tác MXH.
CSGT Đà Nẵng xử lý một trường hợp vi phạm giao thông bị phản ánh qua Facebook. Ảnh: Nguyễn Tú |
Mới đây nhất, Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng chính thức tiếp nhận phản ánh về vi phạm qua Facebook, làm một trong những cơ sở để xác minh, xử phạt. Ngay lập tức, người dân đã gửi rất nhiều thông tin phản ánh. Tuy khối lượng công việc tăng lên, đội ngũ xử lý vất vả hơn, nhưng lực lượng Phòng CSGT cho biết rất vui khi kênh MXH được người dân tin tưởng lựa chọn trở thành kênh tương tác, góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Không chỉ hỗ trợ lực lượng chức năng trong xử phạt, các hình ảnh, video do người dân gửi còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông khi trở thành công cụ giám sát hữu hiệu.
Người đi đường, tham gia giao thông trước đây có các hành vi xấu xí như: vượt đèn đỏ, phóng nhanh, chở quá số người, nay cũng sẽ tự giác hơn nếu không muốn vô tình bị các camera của người dân phát giác.
Dù còn nhiều vấn đề đặt ra như: Làm thế nào để phân biệt video, hình ảnh được quay một cách trung thực với video, hình ảnh được cắt ghép, ngụy tạo? Cơ chế nào bảo vệ người cung cấp thông tin?… nhưng phải thừa nhận, với MXH, đã có phương tiện để người dân phản ánh, cung cấp các thông tin vi phạm, tố giác tội phạm. Để từ đây phát triển thế trận an ninh nhân dân, các cơ quan chức năng cần nghiêm minh, xử lý đầy đủ, thấu đáo những phản ánh để người dân tiếp tục tin tưởng, trở thành tai mắt hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo Nguyễn Tú (TNO)