Thời sự - Bình luận

Đừng 'bỏ quên' người làm công ăn lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Công ty H. (Q.3, TP.HCM) đã lên phương án "phục hồi" lương cho cán bộ công nhân viên sau hơn 1 năm với 2 lần điều chỉnh giảm do doanh thu lao dốc trầm trọng.

Thế nhưng kế hoạch này đã bị phá sản hoàn toàn. Không những không thể phục hồi, họ còn đang tính tới phương án tiếp tục giảm lương mới có thể cầm cự bởi "mức độ tàn phá của dịch lần này nặng nề hơn 3 lần trước", ông chủ doanh nghiệp này buồn bã nói.

Duy trì được quân số với mức lương giảm trung bình 30 - 40% như Công ty H. lúc này có lẽ vẫn là may mắn. Rất nhiều công ty đã giảm 50% lương; nhiều đơn vị lại giữ "quân" bằng cách đi làm cách nhật, buổi làm buổi nghỉ. Tất nhiên là thu nhập cũng giảm một nửa. Nhưng doanh nghiệp có thể cầm cự, người lao động còn giữ được việc làm, cũng vẫn là may mắn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Tất nhiên, đằng sau đó là hàng vạn, hàng triệu người lao động thất nghiệp, không có thu nhập.

Nói lại để thấy mức độ tàn phá kinh khủng nhất trong lịch sử của dịch Covid-19 trong gần 2 năm với 4 lần bùng. Thế nhưng hiện nay mới chỉ có những đối tượng như bị chấm dứt hợp đồng lao động, người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do bị mất việc làm, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động... mới được hỗ trợ. Còn người làm công ăn lương bị sụt giảm thu nhập thì gần như bị "bỏ quên".

Trong suốt gần 2 năm qua các kiến nghị, đề xuất miễn, giãn, giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho họ đều không được xem xét. Thậm chí, với cùng mức thu nhập, người làm công ăn lương đóng tỷ lệ thuế cao hơn so với cá nhân kinh doanh. Trong khi rất nhiều người làm công ăn lương phải gánh thêm một vài người thất nghiệp trong gia đình. Nên đừng thấy "thu nhập vẫn tới ngưỡng đóng thuế" mà tưởng ổn. Đa số họ đã và đang gồng mình chèo chống duy trì bữa cơm gia đình... và đóng thuế đầy đủ.

Không chỉ thiệt thòi trong các chính sách hỗ trợ, người làm công ăn lương còn thiệt thòi bởi ngưỡng thuế TNCN hiện nay (9 triệu đồng với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/người phụ thuộc) là quá lạc hậu so với thời giá, vật giá và bối cảnh hiện tại. Suốt thời gian qua, rất nhiều phân tích, kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho người phụ thuộc lên các ngưỡng tính toán dựa trên cơ sở khoa học, luật định và thực tế nhưng đến nay cũng chưa được thông qua. Thế là rất nhiều người trong số họ, những người làm công ăn lương rơi vào tình cảnh chắt bóp tiết kiệm để nộp thuế.

Người làm công ăn lương là đối tượng đóng thuế nghiêm túc nhất, đóng góp rất lớn vào ngân sách đất nước. Lúc có thu nhập tốt, họ chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ với ngân sách thì nay khi thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn, cũng nên miễn, giảm thuế TNCN cho họ, như một sự chia sẻ và nuôi dưỡng nguồn thu. Chưa kể về mặt nguyên lý, khi thu nhập tăng lên (do được miễn, giảm thuế) sẽ tăng sức mua, hỗ trợ sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó lại tăng thu nhập, tăng đóng góp cho ngân sách.

Làm thế chẳng những đúng về lý mà lại còn đẹp về tình.

Theo NGUYÊN KHANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm