Thời sự - Bình luận

Đừng để "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp. Điều đáng quan tâm là tại đây, câu chuyện đất rừng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” đã một lần nữa được Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh một cách rốt ráo, để đất lâm nghiệp thực sự được giao cho người cần sản xuất, làm ra của cải cho dân, cho nước.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: VGP
Báo cáo tại hội nghị cho biết, đến hết tháng 6 năm nay, cả nước có 160/256 công ty nông-lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Chính phủ phấn đấu năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành công việc này. Nhiều doanh nghiệp, nông-lâm trường sau khi sắp xếp lại đã hoạt động hiệu quả hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp... để cùng tổ chức sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới, sắp xếp các nông-lâm trường vẫn còn nhiều bất cập như tài chính đất đai chưa được xử lý dứt điểm; nhiều đơn vị chưa phê duyệt phương án tổng thể sử dụng đất; việc giải thể doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc... Theo kế hoạch, phương án sử dụng đất của các nông-lâm trường phải hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay vẫn còn 13 địa phương chưa làm xong việc đo đạc, xác định diện tích đất. Đó là lý do dẫn đến tình trạng trong khi nông dân thiếu đất để trồng rừng, sản xuất thì một số nông-lâm trường được giao đất quá lớn nhưng lại không khai thác hết phải bỏ hoang, thậm chí là có tình trạng “phát canh thu tô”. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tranh chấp gay gắt giữa các nông-lâm trường, các công ty lâm nghiệp với người dân địa phương. Thậm chí có vụ còn dẫn đến xô xát, chết người. 
Trong khi đó, một thực tế đáng buồn là dù chiếm tới 10% diện tích đất nông-lâm nghiệp cả nước, tức 1,8 triệu ha nhưng các nông-lâm trường lại chưa có đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế. Đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải bức xúc đặt vấn đề: “Ngoài rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì nhiều diện tích ở vị trí đắc địa, có giá trị. Vậy 1,8 triệu ha này đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Thậm chí làm sao để nông-lâm trường dẫn dắt ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội”.    
Điều nghịch lý là chính quyền địa phương không nắm được đất lâm nghiệp trên thực tế. 100-200 ngàn ha đất trống chỉ là những “con số trên giấy” như  lời Thủ tướng Chính phủ. Đất nông-lâm trường đã được chuyển vào tay tư nhân, dẫn đến tình trạng “phát canh thu tô”. Dân thiếu đất sản xuất nhưng nông-lâm trường thì chia đất làm nhà, hưởng lợi, trốn thuế. 
Thực tế này cho thấy, đổi mới mô hình để tăng hiệu quả sử dụng đất đai, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân thiếu đất sản xuất với các nông-lâm trường là việc rất nên làm và cần phải làm tích cực. Thế nhưng, vì sao các địa phương lại chần chừ, thậm chí là làm trái? Phải chăng là các nhóm lợi ích đang chi phối, khiến các nông-lâm trường quốc doanh cố tình lờ đi chỉ đạo của Trung ương, gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện dai dẳng.
Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30 ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014 của Chính phủ là để khơi dậy tiềm năng thế mạnh, nguồn lực đất đai hiện có, thực hiện được sứ mệnh là động lực mới của nền kinh tế cấu thành trong phát triển; làm sao các công ty nông-lâm nghiệp phải dẫn dắt ngành nông nghiệp nước nhà, là công cụ quan trọng để đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn vào thực tiễn.
Đóng cửa rừng để bảo vệ diện tích rừng còn lại sau bao nhiêu năm khai thác quá mức. Quá trình đó phải đi kèm với chính sách khuyến khích người dân khai thác hiệu quả đất lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế. Con số 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng trong năm nay là minh chứng cho thấy chủ trương này là hết sức đúng đắn. Vấn đề là ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh Tây Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, cần kiểm soát chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp, không để xảy ra cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”!
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm