Cuộc đụng độ do xung đột chủng tộc tại thành phố Charlottesville bang Virginia cuối tuần qua đang gây chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ.
Bạo động bùng phát tại Charlottesville hồi cuối tuần qua. Ảnh: Reuters |
Xuất phát từ một cuộc bạo động nhỏ tưởng chừng sẽ sớm được khống chế yên ổn, nhưng đến nay những tranh cãi về nguyên nhân của vụ việc không chỉ thổi bùng tranh cãi bên trong chính giới Mỹ mà còn tạo ra mâu thuẫn ngày càng lớn trong xã hội nước này.
Vụ việc khởi nguồn từ một cuộc tụ tập được gọi là cuộc “tập hợp đoàn kết phe hữu khuynh” của các nhóm cực hữu tại thành phố Charlottesville vào ngày 12-8 vừa qua với những băng rôn, khẩu hiệu bài xích người Do Thái.
Xô xát giữa các phần tử cực hữu này và những người phản đối đã lên đến đỉnh điểm khi một kẻ cực đoan lao xe với tốc độ cao đâm thẳng vào đám đông khiến một người chết và 19 người bị thương. Thành phố Charlottesville buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Những cuộc tuần hành của các nhóm cực hữu với chủ trương thượng đẳng da trắng và chủ nghĩa dân tộc da trắng tại Mỹ là hoạt động bình thường diễn ra lâu nay ở nhiều bang khắp nước Mỹ, tuy nhiên nó đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và gặp phải sự phản đối dữ dội của đông đảo dân chúng.
Đây cũng chính là nguồn cơn của cuộc đụng độ giữa hai phía ở Charlottesville, nhưng căng thẳng của vụ việc lần này đã bị đẩy lên đỉnh điểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bày tỏ quan điểm của mình. Tổng thống Mỹ đã lên án vụ việc và cho rằng cả hai bên gây ra vụ đụng độ cùng có lỗi.
Lời bình luận về bề ngoài có vẻ khách quan đã khiến dư luận hiểu nó mang hàm ý về một sự ủng hộ ngầm của ông Donald Trump với phe cực hữu có quan điểm phân biệt chủng tộc, họ chính là những người ủng hộ giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.
Việc ông Donald Trump đổ lỗi cho cả hai phía liên quan đến vụ việc đã tạo ra một cuộc tranh cãi dữ dội trên khắp nước Mỹ suốt nhiều ngày qua, các luồng ý kiến ủng hộ và phản đối quan điểm của Tổng thống Mỹ là đề tài phủ kín mọi phương tiện truyền thông nước này.
Chính giới Mỹ đã bị chia tách làm hai phía rõ ràng với hai phe ủng hộ và phản đối. Trong khi Phó Tổng thống Mike Pence lên tiếng tán đồng với ông chủ Nhà Trắng thì Thượng Nghị sĩ John McCain đã thẳng thắn cho rằng ông Donald Trump không nên phát ngôn như vậy.
Không chỉ trong chính trường, sức nóng của cuộc tranh cãi lan tỏa trong xã hội Mỹ cũng ngày càng tăng nhiệt với hàng chục cuộc biểu tình và tưởng niệm nạn nhân xấu số bị thiệt mạng.
Không đồng tình với quan điểm của Tổng thống Mỹ, anh George Stencil, một người dân tại bang Michigan cho biết: “Tôi thất vọng vì ông ấy không đứng trên quan điểm chung của mọi người, chúng ta không nên ủng hộ những kẻ theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng và phe cực hữu. Việc ông ấy đổ lỗi cho cả hai bên tôi biết là có lý do của nó, nhưng ông ấy đã đi ngược lại với đa số”.
Trong khi đó, vẫn có những người tỏ ra thông cảm với tình thế của ông Donald Trump khi buộc phải đưa ra quan điểm dung hòa. Anh Ben Acosta ở bang Louisiana nói: “Tôi hoàn toàn tán thành ông ấy, họ bị những người phản đối cản trở và dẫn đến đánh nhau. Nếu sự việc diễn ra ngược lại khi hai bên đổi vị trí cho nhau thì họ vẫn trách móc Tổng thống, bất kể ông ấy nói gì. Vì vậy, cả hai bên đều có lỗi”.
Phân biệt chủng tộc là vấn nạn đã tồn tại dai dẳng trong xã hội Mỹ, mặc dù không chỉ tại Mỹ mà cả thế giới đều mạnh mẽ lên án các hành động này nhưng nó vẫn có đất tồn tại khi cái xấu không bị lôi ra ánh sáng và trừng phạt thích đáng.
Đó cũng là mong muốn của chính những người cùng đứng trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa của Tổng thống Donald Trump khi một loạt các Thượng nghị sĩ như Ted Cruz, Cory Gardner, Orrin Hatch, Rob Portman… đều kêu gọi Tổng thống phải lên án đích danh “cái ác bằng đúng tên của nó, đó là những người chủ trương thượng đẳng da trắng”. Không những vậy, đã có những tiếng nói từ cộng đồng quốc tế không đồng tình với người đứng đầu nước Mỹ.
Rõ ràng, cuộc chiến đấu nhằm loại trừ nạn phân biệt chủng tộc và hàn gắn nước Mỹ giờ đây đang đứng trước cả cơ hội lẫn thử thách khi đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả chính giới và người dân Mỹ.
Tâm Hiếu/VOV