Thời sự - Bình luận

Đừng ngụy biện 'thẳng lưng là khuyết tật'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, tuyệt đối không thể lấy những tiêu chí, luật chơi, chuẩn mực của người xấu, người ác, người phạm pháp làm phương châm sống và biện luận cho hành động của mình.

 

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa



Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Trọng nghĩa cho rằng, "Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật" - có thể diễn dịch lời biện luận này thành: "Trong một tập thể toàn người xấu, mình mà là người tốt thì sẽ bị coi là người xấu". Đúng là có những tập thể, những môi trường mà ở đó người xấu nhiều hơn người tốt, thậm chí người xấu nắm quyền chi phối, chỉ đạo những người khác, kể cả những người tốt.

Người xấu có xu hướng lôi kéo, thậm chí mua chuộc, gài bẫy để những người không xấu cũng trở nên xấu như mình. Họ muốn đội ngũ những người xấu đông đảo lên, nhờ đó họ có điều kiện tiếp tục làm điều xấu nhiều hơn, lâu dài hơn, an toàn hơn. Ông bà ta nói "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" là để chỉ hiện tượng này.

Lời biện luận đó là ngụy biện, bởi nếu có một tập thể toàn người xấu, người tốt cô đơn ấy sẽ chỉ bị coi là "khuyết tật", bị cô lập, thậm chí bị ghét bỏ bởi tập thể ấy mà thôi. Còn bên ngoài vẫn nhiều cơ hội.

Chừng nào xã hội loài người còn đặt trên nền tảng đạo đức, còn định hướng con người theo "chân, thiện, mỹ", còn phân biệt cái tốt và cái xấu, điều ác và điều thiện, và công dân còn có nghĩa vụ "sống và làm việc theo pháp luật", thì chừng ấy, tuyệt đối không thể lấy những tiêu chí, những luật chơi, những chuẩn mực của người xấu, người ác, người phạm pháp làm phương châm sống và biện luận cho hành động của mình.

Lời nói trên là nguy hiểm, bởi nó cho người ta một cái cớ để khuất phục và gia nhập đội ngũ những kẻ xấu, ác, phạm pháp, và tham gia làm điều xấu, ác, phạm pháp.

Vẫn biết có những tình huống, những cảnh ngộ mà việc cưỡng lại hay thoát khỏi sức ép, sức cám dỗ của tập thể xấu, môi trường xấu không phải là dễ, thậm chí có khi nguy hiểm. Và bởi vì không phải ai cũng đủ sức, đủ dũng khí, đủ bản lĩnh để vượt thoát; nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường và mỗi gia đình phải có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ các thành viên của mình tránh và thoát khỏi cái xấu, cái ác, cái phạm pháp.

Trong nỗ lực này, đội ngũ "trồng người" đóng vai trò cực kỳ quan trọng không thể thay thế, bắt đầu từ những lớp mầm non, mẫu giáo. Khi đội ngũ "trồng người" ở một quốc gia bị xuống cấp, tha hóa trên diện rộng thì chắc chắn quốc gia đó sẽ lụn bại. Hãy cùng nhau ngăn chặn điều đó một cách quyết liệt, hiệu quả và cấp bách.

Luật sư Lê Minh Phiếu: Không thể quay về thời Trung Cổ


 

Luật sư Lê Minh Phiếu



Trước thế kỷ 16, đa số con người tin rằng Mặt trời xoay quanh Trái đất. Đến thế kỷ 16 và 17, khi Copernicus, Galileo và Kepler cho rằng Trái đất xoay quanh Mặt trời thì những người này bị cho là lập dị, dị giáo và thậm chí bị trừng phạt. Đó là những gì xảy ra ở thời Trung Cổ. Nhưng rồi, ngày nay ai cũng biết rằng Trái đất xoay quanh Mặt trời chứ không phải ngược lại.

Xã hội là một thực thể động, luôn phát triển không ngừng. Những gì đang xảy ra, dù đúng dù sai, cũng luôn có điểm để có thể làm tốt hơn, khác hơn. Chúng ta phải duy trì tâm thế mở để có thể đón nhận những hành động mới, ý tưởng mới, và cần cổ súy những hành động, ý tưởng đó khi nó giúp ích cho xã hội chúng ta tốt đẹp hơn. Chưa kể những người tài năng, có tâm thường là những người có những ý tưởng mới, và đôi khi có thể khác với mức suy nghĩ của quảng đại số đông.

Nên chấp nhận hay bác bỏ ý kiến hoặc hành động của người khác dựa theo chân lý, theo lập luận và dẫn chứng, đừng nên bác bỏ những điều đó chỉ vì chúng khác với số đông.

Nếu cho rằng "ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật" thì vô tình quay lại cách suy nghĩ và hành động của thời Trung Cổ. Đó là một sự phản tiến, kéo xã hội lùi lại với những tụt hậu, và không thể nào chấp nhận trong ngày hôm nay.


 

Theo PHẠM VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm