Liên quan vụ triệt phá xưởng sản xuất ma túy số lượng lớn, dư luận quan tâm, với hành vi sản xuất các chất ma túy tại lãnh thổ Việt Nam thì các đối tượng phạm tôi có dẫn độ về Trung Quốc hay không?
Thông tin mới nhất vụ triệt phá xưởng sản xuất ma túy số lượng lớn, được phát hiện tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên (tổ dân phố 3B, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), mới đây, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, kẻ cầm đầu đường dây này là Cai Zi li (tên gọi khác là Thái Tự Lực, SN 1963, trú tại TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).
Đến thời điểm hiện tại, CQĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam 8 đối tượng (7 người Trung Quốc, 1 đối tượng người Việt gốc Hoa) gồm: Cai Zi li; Song Jian Huang (tức Tống Kiến Hoàng, SN 1963), trú tại TP Triều Châu, tỉnh Quảng Đông; Lyu Yu Zhong (tức Lữ Dư Trọng, SN 1975), trú tại thị trấn Nam An, TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; Yang Yuan De (tức Dương Viễn Đức, SN 1964), trú tại khu Tam Nguyên, TP Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến; Huang Shan Yuang (tức Hoàng Sơn Nguyên), SN 1990, TP Nam An, tỉnh Phúc Kiến; Zhang Qin Shu (SN 1961), trú tại tỉnh Phúc Kiến; Cai Si Yuan (tức Thái Tư Viện, SN 1946, trú tại tỉnh Phúc Kiến; Sàn Khuấn Sáng (Tức Trần, SN 1976), trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.
Hình ảnh lực lượng công an triệt phá xưởng sản xuất ma túy tại Kon Tum. Ảnh: NLĐ |
Một vấn đề dư luận quan tâm, với hành vi sản xuất các chất ma túy tại lãnh thổ Việt Nam thì các đối tượng phạm tội có dẫn độ về Trung Quốc hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
Vì vậy, việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma túy không chỉ là trách nhiệmcủa Nhà nước Việt Nam mà là trách nhiệm chung của các quốc gia trên Thế giới.
Những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy và ban hành nhiều văn bản pháp luật với quan điểm nhấn mạnh không khoan nhượng với ma túy và theo đuổi mục tiêu hướng tới một khu vực và thế giới không có ma túy; không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy.
Đồng thời, khẳng định chủ quyền quốc gia trong việc lựa chọn các giải pháp tối ưu, cân bằng giữa giảm cung và giảm cầu, kết hợp với các giải pháp kinh tế xã hội, phù hợp về mặt lịch sử, chính trị, kinh tế và đặc trưng văn hóa xã hội để giải quyết vấn đề ma túy ở trong nước, trong đó coi trọng biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy.
Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia Thông qua ngày 15/11/2000 với mục đích thúc đẩy hợp tác để ngăn ngừa và chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia một cách hiệu quả hơn, hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Việt Nam, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Việt Nam trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy, ngày 15/11/2000, Việt Nam đã quyết định thông qua Công ước này.
Nguyên tắc đầu tiên giữa các quốc gia hợp tác ngăn ngừa và chống tội phạm là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong lĩnh vực ma túy, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988. Mục đích của Công ước này là thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên của Công ước để họ có thể giải quyết có hiệu quả những khía cạnh khác nhau của hoạt động buôn bán bất hợp pháp có quy mô quốc tế các chất ma túy và các chất hướng thần.
Khi thực hiện những nghĩa vụ của mình theo quy định và Công ước, các bên sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết kể cả biện pháp mang tính pháp lý và hành chính phù hợp với những quy định cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình. Các bên thực hiện nghĩa vụ của mình theo Công ước này theo cách thức tuân theo nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc này thì quyền tài phán đối với các tội phạm về ma túy phải được xử lý khi “Tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ của nước mình;…”. Mặt khác, khi một người được coi là phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình và sẽ không dẫn độ người đó cho nước khác vì lý do: “Tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ của nước mình…”
Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.
Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.
Căn cứ vào các quy định trên, Luật sư Thơm cho rằng, các đối tượng Trung Quốc đã thực hiện hành vi sản xuất trái phép các chất ma túy tại nhiều địa bản Tỉnh, Thành phố Việt Nam với số lượng đặc biệt lớn đã xâm phạm chế độ quản lý độc quyền về ma túy của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực chữa bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương và là nguồn gốc phát sinh các loại tội phạm khác nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT đã khởi tố và bắt tạm giam các đối tượng phạm tội là người Trung Quốc và có 1 đối tượng người Việt gốc Hoa theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Hành vi phạm tội của các đối tượng chắc chắn sau này sẽ được Tòa Án đưa ra xét xử với hình phạt cao nhất đến tử hình, dù là các đồng phạm với vai trò giúp sức.
Hải Ninh (Kiến Thức)