Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Chỉ mới cách đây vài ngày thôi, người dân phố thị vẫn thắc mắc, kiểu nghe dự báo thời tiết sắp lạnh, mà nắng vẫn gắt giữa mùa đông. Sự đảo lộn, đan xen mùa đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Các kinh nghiệm đúc kết thời tiết của ông bà xưa cũng không còn... hiệu nghiệm thời nay, kiểu như như cỏ lau nở là hết lụt hoặc qua ngày 23/10 âm lịch mới yên tâm trồng trọt...
Quy luật xuân hạ thu đông rồi lại xuân đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người. Mùa đông mà không có rét, phố bỗng thiếu vắng điều gì đó khó có thể gọi tên. Khoác chiếc áo ấm ngồi so vai trong quán nhỏ, uống ly cà phê ngó gió rào rạt, cảm giác như được tiếp thêm chút năng lượng cho những ngày cuối năm. Hàng quán cũng bán buôn theo mùa nào thức nấy.
Các bà, các mẹ có thể nhóm bếp bán bánh chuối chiên, bánh thuẫn; các hàng ăn vặt buổi chiều có thêm món bánh xèo ngày mưa. Cái lạnh là cớ để ai đó thèm món ăn vặt thuở ấu thơ đến nôn nao. Là món bánh ram lâu lâu mẹ bán rau củ có thêm ít đồng mua về cho con. Mà bánh ram mùa đông mới đúng vị, bánh chiên trong ngập dầu nên ăn mùa lạnh sẽ hợp hơn khi trời nắng nóng.
Theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết nước ta đang điển hình cho một năm chịu tác động của El Nino. Chính thức xuất hiện từ 8/6, khi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ xác nhận nhiệt độ nước biển đo được đã cao hơn so với trung bình khí hậu 0,5 độ.
El Nino đang thể hiện rõ tác động đến thời tiết nước ta với số lượng cơn bão ít, tổng lượng mưa ở hầu hết khu vực trên cả nước ít hơn trung bình nhiều năm, mùa đông đến muộn và có xu hướng rất ấm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định, trong những năm El Nino, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường, chỉ bằng 70% trung bình nhiều năm. Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh ở Việt Nam cũng sớm hơn.
Trái đất đang nóng dần lên, trồng một cái cây trong phố để kéo giảm nhiệt độ, nếu chú tâm làm cũng không phải quá khó. Nơi vườn nhỏ bạn có thể treo ít giò cây trường sinh, hoặc đục khoảng vài viên gạch nơi góc sân trồng cây bông giấy...
Là dân ngụ cư, tôi cũng thường thao thiết nhớ cánh đồng, vườn tược quê mẹ. Ngoài sân nhà cũng tận dụng trồng ít cây cối như vừng, mai, khế... Những ngày này gió mùa về, cây rụng lá đầy sân. Sáng vừa quét xong, đến chiều đã thêm đợt lá mới. Sau giờ làm việc, tôi phải dành thời gian quét tước, dọn dẹp. Dù mệt, nhưng nghĩ đến bóng mát mùa hè, thì mùa lá rụng trong vườn cũng là điều cần thiết.
Đâu đây, “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang vọng lại: “làm sao về được mùa đông/ dòng sông đôi bờ cát trắng/ làm sao về được mùa đông/ để nghe chuông chiều xa vắng”... Và nếu mùa đông không về, thật thiếu vắng biết bao.