Liên minh châu Âu (EU) vừa kích hoạt một quy trình tài chính đặc biệt được xem là cảnh báo trừng phạt nhắm vào Hungary.
Theo Bloomberg, động thái trên báo hiệu rằng EU đã cạn kiên nhẫn với Hungary và quyết tâm của Thủ tướng Viktor Orban trong mối liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong hơn một thập kỷ qua, EU không thể thay đổi lập trường của ông Orban, người thường có những nỗ lực nhằm cản trở lệnh trừng phạt của khối này đối với Nga.
Hôm 18-9, EU thay đổi chiến lược khi lần đầu tiên kích hoạt một quy trình có thể "đóng băng" 7,5 tỉ euro mà Hungary đáng lẽ nhận được, trừ khi nước này thực hiện các bước để kiềm chế gian lận và tham nhũng.
EU cần có đa số thành viên đồng thuận để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề trên trong vòng 1 tháng.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban - Ảnh: REUTERS |
Các hình phạt tài chính tiềm tàng trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng nhưng mối quan hệ của ông Orban với chính quyền Moscow vẫn ấm cúng, buộc EU phải cứng rắn hơn với Hungary,
Trong khi hầu hết quốc gia thành viên EU đang tìm cách đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế trước mùa đông, ông Orban được cho là đã củng cố hơn nữa quan hệ giữa nước mình và Nga.
"Lập trường ủng hộ ông Putin của Hungary sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đã khiến giới chính trị EU thấy rõ rằng ông Orban không chỉ là mối đe dọa đối với nền dân chủ Hungary mà còn đối với khả năng của EU trong việc ứng phó với cuộc chiến này" - ông Jacek Kucharczyk, Chủ tịch Viện Các vấn đề Công cộng (Úc) nhận định gần đây.
Cuộc đối đầu với Hungary phơi bày một điểm yếu cơ bản trong cấu trúc của EU: Với 27 quốc gia có chủ quyền, mỗi quốc gia có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng nhất của khối.
Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn trong ngắn hạn nếu Hungary phản ứng với động thái cứng rắn của Ủy ban châu Âu (EC) bằng cách tăng cường nỗ lực cản trở hoạt động của EU.
Quan hệ Ba Lan - Hungary thời gian qua bớt thân thiện do lập trường trái ngược liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Dù vậy, Ba Lan lần này lại đứng về phía ông Orban.
"Ba Lan sẽ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào của các định chế châu Âu nhằm tước bỏ quỹ của bất kỳ quốc gia thành viên nào, trong trường hợp này là Hungary" - Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết hôm 18-9.
Các nhà lập pháp châu Âu đang kêu gọi EC thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn "vào thời điểm mà các giá trị của EU đang bị đe dọa đặc biệt bởi xung đột Nga - Ukraine và các hành động chống EU".
Theo Thu Anh (NLĐO)