Tin tức

EU “tê liệt” vì những cuộc biểu tình phản đối chính sách khắc khổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Con số thất nghiệp tiếp tục tăng tại các nước châu Âu là nguyên nhân chính khiến người dân nổi giận.  

Ngày 1-3, các tổ chức công đoàn tại nhiều nước châu Âu đã phát động “Ngày hành động”, với mục đích phản đối các chính sách khắc khổ mà nhiều Chính phủ ở châu lục này đang áp dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Tại Hy Lạp, sau khi Quốc hội thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm đổi lấy gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức công đoàn lớn cùng người lao động đã bất ngờ phát động chiến dịch bãi công trên toàn quốc, nhằm phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ.

 

Hàng nghìn công nhân tại nhiều thành phố ở Hy Lạp tập trung trước trụ sở các cơ quan hành chính. Riêng ngành Y tế đã tiến hành bãi công một ngày để phản đối việc Chính phủ cắt giảm ngân sách dành cho ngành này.

Còn tại Tây Ban Nha, hơn 100.000 người, chủ yếu là sinh viên, học sinh, đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Madrid, Valencia và nhiều thành phố khác để phản đối việc Quốc hội thông qua các biện pháp khắc khổ, trong đó có việc cắt giảm điện, khiến các trường học trên cả nước thiếu điện dùng trong mùa Đông khắc nghiệt.

Tại thành phố biển Barcelona, biểu tình đã biến thành bạo lực khi nhóm thanh niên ném gạch đá, đốt các container hàng, đập phá nhiều cửa hàng. Các nhà tổ chức công đoàn cho rằng, quy mô các cuộc biểu tình tại Tây Ban Nha sẽ còn lớn hơn trong những ngày tới, do nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với một năm đầy khó khăn.

Không chỉ diễn ra biểu tình tại các nước gặp khó khăn về kinh tế- tài chính, ở thủ đô Paris (Pháp), khoảng 9.000 người đã tuần hành từ quảng trường Bastille qua nhiều đường phố để phản đối các biện pháp khắc khổ. Cuộc tuần hành diễn ra ngay trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), trong đó thảo luận về thỏa thuận tài chính về cân bằng ngân sách.

Hàng ngàn người tại các thành phố ở Pháp như: Marseilles, Bordeaux... cũng đổ xuống các đường phố để phản đối việc chính phủ Pháp cắt giảm ngân sách, đẩy không ít người vào tình cảnh khốn khó.

Một người biểu tình nói: “Hoạt động tuần hành, biểu tình lần này là nhằm đoàn kết người dân châu Âu. Thị trường tài chính đang bóp nghẹt chúng tôi. Tiền lương bị sụt giảm, môi trường làm việc đang xấu đi khiến sức mua của những người làm công ăn lương đang sụt giảm”.

Tại thủ đô Brussel (Bỉ) - trung tâm của EU, hàng nghìn người kéo đến trụ sở của EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo châu Âu đang thảo luận về thỏa thuận tài chính mới. Tham gia cuộc biểu tình còn có hơn 200 nhà lãnh đạo các liên đoàn lao động khắp châu Âu

Trước đó, những người lao động thuộc khu vực công ở Italy cũng tiến hành đình công trên phạm vi toàn quốc để phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Cuộc đình công làm gián đoạn hoạt động giao thông và nhiều dịch vụ tại nhiều thành phố.

Một người dân ở thủ đô Roma của Italy cho biết: “Tình hình ở đây thật hỗn loạn và cũng đã lan rộng ở nhiều nơi trong khu vực. Đây là lần thứ 3 tôi đến Roma và cũng là lần thứ 3 tôi thấy cảnh đình công. Ngành du lịch sẽ phải đối phó với tình trạng khó khăn này”.

Số liệu vừa được cơ quan thống kê châu Âu công bố ngày 1-3 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 1 vừa qua tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục mới là 10,7%. Theo đó, hiện có 16,9 triệu người trong độ tuổi lao động không có việc làm. Đây vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm của khối EU.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm