Các bộ trưởng tài chính EU đồng thời nhất trí thiết lập cơ chế cứu trợ dài hạn nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra ở các nước thành viên khác trong Khu vực đồng euro.
Theo thông báo sau cuộc họp, gói cứu trợ dành cho Ireland lên tới 85 tỷ euro (115 tỷ USD), bao gồm 10 tỷ euro dành cho việc tái huy động vốn khẩn cấp, 25 tỷ euro để hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong trường hợp khẩn cấp và 50 tỷ dành cho kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của Ireland.
Trong số 85 tỷ euro nói trên, Ireland phải đóng góp 17,5 tỷ euro, lấy từ nguồn vốn đệm của các ngân hàng và Quỹ dự trữ lương hưu của Ireland.
Phần còn lại được chia đều cho Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSM), Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như các khoản vay song phương từ Anh, Đan Mạch và Thụy Điển, những nước tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ nước láng giềng Ireland đối phó với nguy cơ vỡ nợ.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn cho biết lãi suất đối với khoản cho vay dành cho Ireland sẽ được công bố trong tuần tới, song Thủ tướng Ireland Brian Cowen tiết lộ con số 5,8%, cao hơn mức Hy Lạp phải trả khi nhận gói cứu trợ 110 tỷ euro từ EU và IMF tháng Năm vừa qua.
Dự kiến, cơ chế cứu trợ dài hạn được lãnh đạo tài chính EU nhất trí sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2013, thời điểm gói cứu trợ cấp 440 tỷ euro của Khu vực đồng euro, được thiết lập sau cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, hết hiệu lực. Theo đó, các tổ chức cho vay như ngân hàng và quỹ đầu cơ phải tham gia cứu trợ nếu một nước thành viên Khu vực đồng euro rơi vào tình trạng "hết sạch tiền."
Cơ chế này chỉ được áp dụng khi các nước khác trong khu vực nhất trí nước cần được cứu trợ "thực sự đã vỡ nợ". Bất kỳ khoản cứu trợ nào được áp dụng phải kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt về cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế, tương tự như đã áp dụng với Ireland và Hy Lạp. Những nước có nguy cơ vỡ nợ chỉ được nhận các khoản vay khẩn cấp.
Trong thời gian tới, EU sẽ điều chỉnh các quy định để các tổ chức cho vay tư nhân cũng phải tham gia cứu trợ, một điều kiện do Đức đề xuất nhưng chưa được thông qua tại cuộc họp ngày 28-11.
Hiện tại, EU chưa thống nhất về số tiền các nước phải đóng góp cho cơ chế mới, song ông Rehn cho biết con số này có thể lên tới 440 tỷ euro (582 tỷ USD).
Theo người đứng đầu Khu vực đồng euro Jean- Claude Juncker, những diễn biến mới đây cho thấy sự căng thẳng về tài chính ở một nước thành viên EU có thể nhanh chóng đe dọa cả khu vực, điều này đặc biệt đúng đối với Khu vực đồng euro, nơi các nền kinh tế và các khu vực tài chính liên quan mật thiết với nhau.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet nhấn mạnh cơ chế mới hoàn toàn phù hợp với các chính sách hiện hành của IMF.
Theo TTXVN