Liên minh châu Âu và Mỹ hôm 22-3 đồng loạt trừng phạt 11 cá nhân và các nhóm có liên quan đến cuộc đảo chính quân sự vào tháng trước ở Myanmar khi lực lượng an ninh mạnh tay với người biểu tình, đến mức Đức gọi là “không thể chịu đựng được”.
Các biện pháp trừng phạt của EU đánh dấu phản ứng quan trọng nhất của khối 26 quốc gia kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1-2. Trong số 11 người bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt có Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. EU nói rằng ông Min Aung Hlaing "chịu trách nhiệm cho việc phá hoại nền dân chủ và sự thượng tôn pháp luật ở Myanmar".
Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh, cho biết sau khi các ngoại trưởng EU thông qua lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân của Myanmar tại một cuộc họp ở Brussels, "chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt nhắm vào 11 cá nhân liên quan vụ đảo chính này và việc mạnh tay với người biểu tình".
Pháo nổ khi những người biểu tình nấp sau một chướng ngại vật ở TP Mandalay vào ngày 21-3. Ảnh: Reuters |
Lệnh trừng phạt vừa nêu là phản ứng đáng chú ý nhất của EU kể từ cuộc đảo chính quân sự chống lại chính quyền dân sự Myanmar đầu tháng trước. EU dự kiến sẽ sớm đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn khi khối này muốn nhắm tới các doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.
Theo hãng tin Reuters, EU đã có lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar và nhắm vào một số quan chức quân sự cấp cao kể từ năm 2018 vì vai trò của họ trong chiến dịch chống lại thiểu số Hồi giáo Rohingya. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói với các phóng viên trước cuộc họp rằng cuộc đàn áp "đã đạt đến mức không thể chịu đựng được".
Các biện pháp mạnh mẽ hơn được cho là sẽ sớm có động thái nhằm vào các doanh nghiệp do quân đội điều hành. Các nhà ngoại giao EU nói rằng các công ty của các tập đoàn quân sự, Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC), có khả năng là mục tiêu và Liên minh châu Âu sẽ ngăn cản các nhà đầu tư và ngân hàng EU làm ăn với họ.
Các tập đoàn này bị đưa vào tầm ngắm trải rộng khắp nền kinh tế từ khai thác và sản xuất đến thực phẩm và đồ uống đến khách sạn, viễn thông và ngân hàng. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Maas nói: "Chúng tôi không có ý định trừng phạt người dân Myanmar nhưng nhắm đến những người vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn".
Người biểu tình bị thương khi phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Mandalay hôm 22-3. Ảnh: EPA-EFE |
Về phía Mỹ, Washington đã trừng phạt ông Min Aung Hlaing và 14 sĩ quan Myanmar liên quan đến cuộc đảo chính và các biện pháp được công bố hôm 22-3 đã mở rộng danh sách các mục tiêu, nhắm đến một số công ty quân đội.
Bà Andrea Gacki, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết: "Bạo lực gây chết người của lực lượng an ninh Myanmar đối với những người biểu tình ôn hòa phải chấm dứt. Chúng tôi tiếp tục sát cánh với người dân Myanmar".
Tháng trước, Anh đã đóng băng tài sản và áp dụng lệnh cấm đi lại với 3 tướng Myanmar liên quan vụ đảo chính quân sự.
Đến nay, ít nhất 250 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar. Ngày 22-3, thêm 3 người (gồm một bé trai 15 tuổi) thiệt mạng ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.
Hôm 22-3, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã đến thăm Brunei trước khi đến Malaysia và Indonesia nhằm tìm kiếm một cuộc họp khẩn cấp trong khu vực ASEAN, đưa ra các giải pháp làm giảm xung đột và căng thẳng tại Myanmar.
Theo NLĐO