Tin tức

G8 từ bỏ đề xuất về can thiệp quân sự vào Libya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) ngày 15-3 đã từ bỏ đề xuất can thiệp quân sự nhằm chấm dứt bạo lực tại Libya, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc gia tăng sức ép đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn.
Ông Gaddafi dọa sẽ thành lập một liên minh với al-Qaeda nếu các chính phủ phương Tây ra lệnh tiến hành xâm lược Libya.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) ngày 15-3 đã từ bỏ đề xuất can thiệp quân sự nhằm chấm dứt bạo lực tại Libya, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc gia tăng sức ép đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn.


Các nhà ngoại giao có mặt tại Paris, Pháp tham dự cuộc họp các ngoại trưởng G8 cho biết, đề xuất của Anh và Pháp áp đặt vùng cấm bay tại Libya để ngăn cản lực lượng trung thành với ông Gaddafi không kích lực lượng nổi dậy ở nước này đã không thuyết phục được Mỹ, Nga và các cường quốc khác trong Liên minh châu Âu, đặc biệt là Đức, và G8 quyết định "đá quả bóng trở lại" phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, Ngoại trưởng Pháp Alan Juppe nói, các ngoại trưởng G8 nhất trí rằng "Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên gia tăng áp lực, bao gồm cả việc thông qua các biện pháp kinh tế, để buộc ông Gaddafi phải ra đi".

Tuyên bố cũng hoan nghênh các biện pháp mà Hội đồng Bảo an đang thực hiện khẩn cấp nhằm bảo vệ người dân Libya khỏi thương vong trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng trung thành với ông Gaddafi và lực lượng chống đối.

Dự kiến trong ngày 16-3, các cường quốc trong Hội đồng Bảo an chuyển dự thảo nghị quyết trừng phạt Libya mạnh mẽ hơn tới các nước ủy viên còn lại.

Cho tới nay, các ủy viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an vẫn chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề áp đặt vùng cấm bay tại Libya. Nga đặt dấu hỏi về việc vùng cấm bay sẽ được thực hiện như thế nào.

Trung Quốc không muốn đề cập tới bất cứ nghị quyết nào dẫn tới việc can thiệp của cộng đồng quốc tế vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia trong khi Mỹ vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng của họ đối với vấn đề Libya.

Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép từ trong nội bộ, Nhà Trắng vẫn tiếp tục thể hiện sự dè dặt trước kế hoạch lập vùng cấm bay ở Libya.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 15-3 nói rằng, ông không tin "người dân Mỹ sẽ muốn tổng thống của họ hành động đơn phương với hành động quân sự mà không xem xét kỹ các hậu quả sẽ có".

Ông Jay Carney cho biết, Tổng thống Barack Obama đã họp với các cố vấn an ninh quốc gia cao cấp về tình hình Libya trong ngày 15-3.

Ông cũng cho rằng, Tổng thống Mỹ đã rất chú trọng vào việc xác định đâu là mục tiêu của hành động này, đồng thời hiểu rõ rằng kết quả mong muốn sẽ đạt được nếu Mỹ hành động cùng với các đối tác quốc tế.

Trong một diễn biến khác, ngày 15-3, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ngoại trưởng Libya Mussa Kussa cùng 16 công ty quốc doanh của nước này, theo đó gia tăng sức ép đối với chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo "các biện pháp tăng cường nhằm cô lập chế độ của ông Gaddafi," theo đó nhằm vào Ngoại trưởng nước này, ông Mussa Kussa và 16 công ty hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu mỏ, hàng không và đầu tư.

Ngoại trưởng Kussa, từng là người đứng đầu Cơ quan tình báo Libya, đã bị áp đặt các lệnh trừng phạt theo sắc lệnh của Tổng thống Barack Obama nhằm vào các quan chức cấp cao của Chính phủ Libya.

Theo các lệnh trừng phạt này, tất cả tài sản của Ngoại trưởng Kussa thuộc thẩm quyền của Mỹ đều bị phong tỏa và các cá nhân Mỹ bị cấm giao dịch với ông này.

Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, nhà lãnh đạo Libya Gaddafi ngày 15-3 nói rằng, ông cảm thấy bị các nhà lãnh đạo châu Âu "phản bội" khi những người này đã quay sang chống lại ông trong thời gian xảy ra các vụ nổi loạn ở Libya.

Ông Gaddafi tuyên bố vụ nổi loạn ở nước ông tất sẽ bị thất bại, đồng thời dọa sẽ thành lập một liên minh với al-Qaeda nếu các chính phủ phương Tây ra lệnh tiến hành xâm lược Libya.

Trả lời phỏng vấn của tờ Il Giornale sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu ông từ bỏ quyền lực, nhà lãnh đạo Gaddafi nói: "Nếu phương Tây cư xử như họ đã từng làm ở Iraq, chúng tôi sẽ rút khỏi liên minh quốc tế chống khủng bố. Chúng tôi sẽ liên minh với al-Qaeda và tuyên bố một cuộc thánh chiến".

Tại Libya, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi và lực lượng nổi dậy. Ngày 15-3, các lực lượng ủng hộ ông Gaddafi đã tiến hành không kích và bắn đạn pháo vào lực lượng nổi dậy tại thành phố chiến lược Ajdabiya ở miền Đông Libya.

Ajabiya, nằm cách thủ đô Tripoli 800km về phía Đông Nam, là cửa ngõ dẫn tới khu vực miền Đông Libya hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy. Nếu "thành trì" này đổ, các lực lượng trung thành với ông Gaddafi sẽ có thể tấn công Benghazi - thành phố lớn thứ hai của Libya và là thủ đô tự xưng của lực lượng chống đối - bằng cả đường không, đường biển và đường bộ.

Theo Đài truyền hình Libya, lực lượng ủng hộ ông Gaddafi đã tái chiếm thành phố này. Trong khi đó, mạng tin al-Youm của lực lượng chống đối đưa tin máy bay của họ đã phá hủy được hai tàu chiến của ông Gaddafi đậu ngoài khơi Ajabiya.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm