Tin tức

Gánh nặng đè lên vai Iran: Trả thù hay không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh-Mahabadi, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, giữa ban ngày gây áp lực về việc trả thù hay không đối với Tehran.

Hồi tháng 1 năm nay, tướng Iran Qassem Suleimani bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở thủ đô Baghdad – Iraq. Vài ngày sau, các nhà lãnh đạo Iran thề "trả đũa thích đáng". Ngay lập tức, tên lửa đạn đạo được phóng vào một căn cứ Mỹ tại Iraq, khiến nhiều quân nhân và nhà thầu Mỹ bị chấn thương.

Tehran cũng huy động các lực lượng không thường xuyên của mình, bao gồm cả lực lượng dân quân do Iran hỗ trợ ở Iraq, bắn rốc-két vào Đại sứ quán Mỹ và các căn cứ có sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Theo báo The Los Angeles Times, giờ đây Iran lại thấy mình trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công khác: vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh-Mahabadi giữa ban ngày. Cuộc tấn công gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Iran, buộc họ đưa ra quyết định trả thù một lần nữa hay không.


 

Hiện trường vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Ảnh: Fars News Agency
Hiện trường vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Ảnh: Fars News Agency



Các nhà phân tích cho rằng nếu trả đũa, Iran có thể lâm vào tình thế bấp bênh vào thời điểm họ đang chờ đợi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ. Ông Biden nhiều khả năng sẽ đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi năm 2018. Chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani phải cân bằng giữa ý định báo thù và cục diện có lợi trước mắt nếu Washington đồng ý tái tham gia thỏa thuận hạt nhân cũng như loại bỏ các biện pháp trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt này gây ảnh hưởng nặng tới đồng nội tệ của Iran, làm kinh tế gián đoạn và khiến 82 triệu người dân đối mặt với đói nghèo.

Các nhà phân tích nhận định vụ ám sát ông Fakhrizadeh cùng một loạt nhà khoa học hạt nhân Iran khác là nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Israel và Mỹ nhằm cản trở tham vọng hạt nhân của Tehran.

Cho đến nay, giới lãnh đạo Iran dường như đã chọn cách kiềm chế. Trong một cuộc họp nội các được phát trên truyền hình ngày 28-11, ông Rouhani tuyên bố Iran sẽ đáp trả vụ ám sát ông Fakhrizadeh vào thời điểm thích hợp. Còn lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng cần điều tra tội ác này, truy tố thủ phạm cùng những kẻ chủ mưu và tiếp tục công việc nghiên cứu của ông Fakhrizadeh.

Trong khi đó, Quốc hội Iran đã thông qua yêu cầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran sản xuất và lưu trữ ít nhất 120 kg uranium có độ tinh khiết 20%. Đây sẽ là một bước vi phạm thỏa thuận hạt nhân nữa mà Tehran theo đuổi.

Dù các nhà lãnh đạo Iran chọn cách hành động nào, ông Biden sẽ phải đối mặt với một tình huống khó khăn sau ngày nhậm chức bởi vụ ám sát sẽ làm phức tạp các nỗ lực ngoại giao của ông.

Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm