Xã hội

Gia đình

Gia Lai: Tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai vừa mời GS.TS Nguyễn Lân Dũng tham gia buổi nói chuyện về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em nhân lễ phát động chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã có 3 cuộc trò chuyện đáng chú ý với phụ nữ tại TP. Pleiku, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, học sinh THPT và hội viên, phụ nữ huyện Phú Thiện. Là một diễn giả nổi tiếng với cách nói chuyện hóm hỉnh, các vấn đề thời sự, đề tài “nhạy cảm” đã được ông chia sẻ một cách rất dễ tiếp nhận.
Mỗi người bắt đầu từ những việc nhỏ
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chủ đề mà Hội LHPN lựa chọn năm nay rất hay, có tính thời sự, nhất là trong bối cảnh phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn dưới nhiều hình thức. “Tôi cho rằng an toàn đầu tiên cần quan tâm chính là an toàn về sức khỏe. Có sức khỏe sẽ giải quyết được mọi vấn đề khác. Mọi người phải biết cách giữ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Ví dụ, trong gia đình có người hút thuốc lá thì không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người đó mà còn cho cả gia đình, đặc biệt là trẻ em”-ông nói.
Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh đến an toàn internet cho trẻ và ngăn chặn bạo lực trong gia đình: “Internet là công cụ rất quý, đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 này. Nhưng nếu không cẩn thận, những trang kích động bạo lực, trang chuyện người lớn… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ nhỏ. Để bảo vệ con, bố mẹ phải chơi cùng, hướng dẫn, khuyến khích các con nên chọn cái gì để xem, chọn cái gì để đọc, phải khóa các chương trình ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Kể cả trong việc giáo dục con cái, cần dùng lời lẽ để khuyên bảo. Đánh đập là hành động vô tác dụng. Gia đình tôi có 8 anh chị em, bố mẹ tôi chưa bao giờ nói nặng chứ đừng nói đánh đập con. Còn về bạo lực gia đình, đây là điều vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hình sự. Ở nước ngoài, có bạo lực thì gọi cảnh sát đến giải quyết nhưng ở nước ta, đây hoàn toàn là sự tự giác của mỗi cá nhân. Nên lấy yêu thương xây dựng hạnh phúc gia đình, bởi bạo lực chỉ mang đến đổ vỡ, mất mát”.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng giải đáp thắc mắc của học sinh dân tộc thiểu số tại diễn đàn “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Ảnh: N.B
Một số vấn đề khác về an toàn cũng được GS.TS Nguyễn Lân Dũng nhắc đến như an toàn giao thông, an toàn về môi trường… cùng những con số thống kê, ví dụ sinh động từ thực tiễn giúp người nghe hiểu rõ hơn về an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong bối cảnh hiện nay. “Có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến cuộc sống mà chúng ta có thể chung tay hành động để tránh những điều có hại, từ đó bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em. An toàn là điều ai cũng mong muốn, vì vậy mỗi người hãy thực hiện từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày để mang lại tương lai tươi đẹp”-ông nói.
Hãy “nói không” với sự áp đặt
Chọn vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng-chống xâm hại tình dục trẻ em để chia sẻ với hơn 400 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, những câu chuyện mà GS.TS Nguyễn Lân Dũng đưa ra lập tức thu hút các em. Ngoài những thông tin lý thú được chia sẻ, ông còn giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của học sinh. Trước câu hỏi của em Đường Thị Hồng Thủy-dân tộc Tày, học sinh lớp 10: “Em có một người bạn thân cùng tuổi, dù đang đi học nhưng bố mẹ bắt phải lấy chồng. Đó có thể là trường hợp của bạn em, của em, hay bất cứ cô gái nào khác người dân tộc vì tình trạng này vẫn còn xảy ra trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo Giáo sư, gặp trường hợp này thì phải làm sao?”. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Các em được học tập để làm gì? Để trở thành con người có tri thức, có tự do, biết nói không trước những áp đặt của cha mẹ, của người khác”. Trước hàng trăm học sinh các dân tộc, ông mong muốn các em hãy học tập tốt, dùng tri thức để bảo vệ chính mình, sau đó hãy giải thích với cha mẹ, với những người chưa biết. “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, duy trì nòi giống mà còn vi phạm pháp luật”-ông nói.
Tham gia diễn đàn “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, em Ksor Hương-dân tộc Jrai, học sinh lớp 12-cho biết: “Em hiểu sâu sắc hơn những hệ lụy của vấn nạn này chứ không còn lơ mơ như trước. Em sẽ góp phần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ hơn. Ngoài ra, Giáo sư còn trò chuyện về các vấn đề “nhạy cảm”, cách tự bảo vệ mình, phòng tránh xâm hại tình dục một cách rất dễ hiểu, hài hước khiến chúng em thấy rất bổ ích”.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội” là rất kịp thời, cần thiết, nhất là với Gia Lai, nơi có nhiều chị em dân tộc thiểu số sinh sống. “Tôi không thể hình dung đến nay tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra phổ biến như vậy. Hy vọng những điều tôi chia sẻ sẽ góp phần nâng cao ý thức cho mọi người trong việc chung tay hành động tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Cùng với sự tuyên truyền rộng rãi của các cấp Hội Phụ nữ, nhất định cuộc phát động này sẽ lan tỏa đến mọi người”.
NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm