Hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ đến hạn thanh toán những tháng cuối năm và thêm hàng trăm ngàn tỉ đồng TPDN cũng đến hạn phải trả trong 1-2 năm tới đang tạo áp lực rất lớn đến đơn vị phát hành và cả nền kinh tế.
TPDN khác với vốn tín dụng của ngân hàng. Khi nhà phát hành không có đủ nguồn tiền trả đúng hạn, dù chỉ trễ một ngày cũng sẽ rơi vào tình trạng không trả được nợ. Nếu với khách hàng vay vốn của ngân hàng, DN không trả được sẽ bị xếp vào các nhóm nợ xấu 2, 3, 4, 5. Nhưng TPDN thì không có xếp hạng mà chỉ cần một ngày không trả được cũng sẽ rủi ro. Do đó, áp lực hiện tại là rất lớn.
Giải pháp của các nhà phát hành trong trường hợp này sẽ là bán tài sản của DN hoặc thanh lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu này để lấy tiền trả cho trái chủ; phát hành TPDN mới để lấy tiền trả cho các trái phiếu cũ (đảo nợ). Hoặc hoãn nợ bằng cách đàm phán với các trái chủ để đi đến thỏa thuận lại hoãn lại nợ trong một thời gian nào đó.
Trong trường hợp các biện pháp trên đều không thực hiện được thì các trái chủ sẽ yêu cầu ra tòa, có thể kiện ra tòa và yêu cầu tuyên bố phá sản để tòa giải quyết việc đền bù, bồi thường…
Hiện nay, việc phát hành TPDN mới để trả nợ cũ là rất khó vì tâm lý nhà đầu tư và cả nhà phát hành đều không sẵn sàng.
Một giải pháp khả thi lúc này là nhà phát hành và người nắm giữ trái phiếu cùng ngồi lại để đàm phán, hoãn nợ với những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, trong thời gian hoãn nợ đến hạn từ TPDN, nhà phát hành vẫn phải trả lãi suất trái phiếu cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể thông qua người đại diện pháp lý, vì theo Nghị định 65 của Chính phủ vừa ban hành liên quan chào bán, phát hành TPDN riêng lẻ có quy định về việc cử người đại diện pháp lý cho các trái chủ đứng ra liên hệ với nhà phát hành để đàm phán, thương lượng.
Trong ngắn hạn, khi thị trường bị siết lại sẽ tạo rào cản cho thị trường trái phiếu riêng lẻ và phải chờ một thời gian để thị trường cân bằng lại, minh bạch và đi vào bài bản hơn mới khơi thông nguồn vốn cho DN. Các ngân hàng không còn hạn mức tín dụng nên việc cho DN là nhà phát hành vay vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn cũng rất khó.
Lúc này, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có thể cùng ngồi lại để đề xuất Chính phủ một cơ chế, chính sách hoãn nợ cho những TPDN đã phát hành nhưng đang gặp khó khi đến hạn. Chính sách này khả thi với điều kiện chỉ được hoãn trong một thời gian nhất định (nhà phát hành vẫn trả lãi cho trái chủ), áp dụng đối với các DN có sức khỏe tài chính, báo cáo tài chính tốt nhưng gặp khó vì lý do khách quan thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một chương trình cho vay đặc biệt để các nhà phát hành trả lãi cho trái chủ, áp dụng đối với những DN đã phát hành trái phiếu đúng mục đích…
Riêng với những DN phát hành trái phiếu sai mục đích thì vẫn cần xử lý nghiêm để răn đe thị trường, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh trong tương lai. Để tránh những hệ lụy, vẫn cần giải pháp phù hợp với sự phối hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ bảo đảm có lượng vốn đủ cung cấp cho nền kinh tế.
Theo Thái Phương ghi (NLĐO)
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU