Triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều nơi đã thực hiện giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Người dân ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, được tạo điều kiện vay vốn mở rộng diện tích trồng chè, nâng cao thu nhập. (Ảnh: Trần Hải) |
Việc làm này không chỉ nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, mà còn trở thành động lực đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, tác phong công tác, thúc đẩy chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị; thêm căn cứ cụ thể để đánh giá đúng năng lực, uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ðẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, gắn thực hiện các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nhiều cấp ủy đã tiến hành đăng ký nội dung làm theo với cấp ủy cấp trên, cam kết tập trung giải quyết việc mới, việc khó, việc tồn đọng. Hiệu quả được ghi nhận trong thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở tất cả các lĩnh vực, cấp, ngành.
Song song giải pháp đó, một số cấp ủy địa phương đã có cách làm sáng tạo là "đặt hàng" hoặc giao nhiệm vụ đột phá cho người đứng đầu cấp ủy địa phương, đơn vị trực thuộc. Cách làm này đã tạo ra "hiệu ứng kép", khuyến khích sáng tạo đối với cá nhân cán bộ được giao việc và hệ thống dưới quyền, đồng thời thúc đẩy hiệu quả thực thi nhiệm vụ chính trị của tập thể.
Đổi mới mạnh mẽ lề lối, tác phong
Tại xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), thực hiện chủ trương xây dựng đô thị loại V là nhiệm vụ cần tập trung giải quyết thời gian qua. Ðây cũng chính là việc mới, việc khó mà Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn, giao việc đột phá cho các cán bộ chủ chốt của xã. Sự gương mẫu của người đứng đầu và nỗ lực của hệ thống chính trị trong vận động người dân chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay lên 47 triệu đồng/năm, tăng 1 triệu đồng so cùng kỳ.
Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Sơn, năm 2021, thực hiện giao nhiệm vụ đột phá, đổi mới cho 15 cơ quan của huyện, 28 xã, thị trấn và 71 đồng chí là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trưởng các phòng, ban chuyên môn của huyện, các đồng chí bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đều đăng ký việc mới, khó để tập trung thực hiện. Một số nội dung trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện; các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; xây dựng nông thôn mới; làm nhà cho hộ nghèo… Sự chủ động, quyết liệt của người đi đầu có tác dụng lan tỏa đến cả hệ thống, thúc đẩy hiệu quả thực thi nhiệm vụ.
Từ thực tế cho thấy, cách giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chung chung cho tập thể lãnh đạo khiến công việc chậm đổi mới, ít sáng tạo. Một số người đứng đầu có biểu hiện né việc mới, việc khó. Trong khi đó, nhận xét, đánh giá định kỳ thiếu căn cứ định lượng cụ thể, cho nên việc đánh giá cán bộ ở nhiều nơi vẫn là khâu yếu, chưa thực chất.
Khắc phục tình trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có sáng kiến "khoán" sản phẩm cho người đứng đầu và cách làm nhận được sự đồng thuận cao. Ðầu năm 2021, tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các ngành và địa phương với những nội dung rất cụ thể.
Trong đó, thực hiện thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với sáu giám đốc sở và bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân của chín huyện, thành phố. Theo đó, người được giao nhiệm vụ phải xác định vướng mắc, hạn chế của ngành, địa phương, cam kết thực hiện đúng thời hạn, đạt yêu cầu. Các chỉ tiêu về xây dựng Ðảng, hoạt động quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh đều được lượng hóa thành những con số, hoàn thành hay không hoàn thành. Sau khi giao nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị. Sau hơn một năm thực hiện đã ghi nhận sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của hệ thống chính trị, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu khó đã hoàn thành vượt mức.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, cách làm này thêm cơ sở định lượng rõ ràng năng lực, trách nhiệm, ưu, khuyết điểm của cán bộ. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ đã giao chính là cơ sở để tỉnh lựa chọn và sử dụng cán bộ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Việc giao sản phẩm, nhiệm vụ là giải pháp thực tế góp phần xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, uy tín. Trong giai đoạn phát triển mới, Vĩnh Phúc cần tranh thủ thời cơ để thực hiện những mục tiêu lớn hơn. Từ những kinh nghiệm bước đầu, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mở rộng đối tượng giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với hơn 40 vị trí người đứng đầu các đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện; tăng việc mới, việc khó, việc cần đột phá, sáng tạo để giải quyết các điểm nghẽn, bất cập của các sở, ngành, địa phương.
Nâng cao trách nhiệm nêu gương
Tại Tuyên Quang, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là động lực quan trọng để tỉnh vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Chia sẻ kinh nghiệm của Tuyên Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Thị Kim Dung cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cụ thể hóa việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên thông qua thực hiện giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực hiện "đặt hàng" công việc với các giám đốc sở, bí thư huyện ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, tập trung vào việc lớn, việc khó, những điểm nghẽn để bứt phá, phát triển, nhất là những bức xúc, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục giao 244 việc đột phá, việc mới cho 76 đồng chí cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; giao 219 việc cho 65 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý còn lại.
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh giao 731 việc đột phá, đổi mới cho 565 cán bộ theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ. Việc đăng ký và giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ đã tạo điều kiện thúc đẩy đội ngũ cán bộ khẳng định bản lĩnh, phát huy năng lực lãnh đạo, điều hành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị; đồng thời tạo môi trường và động lực để cán bộ chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thực hiện tốt công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Tuyên Quang ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì từ 7-8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 4/11 tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, tỷ lệ che phủ rừng hơn 65% (đứng thứ ba cả nước).
Quán triệt, thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, các cấp ủy tập trung làm tốt nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Việc tự giác nêu gương khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu đi đầu, thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao và giúp cho việc đánh giá cán bộ được cụ thể, chính xác hơn.
Theo LÊ VY (NDĐT)