Điều này làm người viết nhớ lại, tròn 1 năm trước, lực lượng công an tại Đà Nẵng cũng đã ra quân truy quét các lò độ chế. Tuy nhiên, đến nay, dường như tình trạng giới trẻ vi phạm pháp luật trên đường phố vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Qua 238 đợt tuần tra của lực lượng 911 Công an TP.Đà Nẵng từ đầu năm đến nay, có 4.000 trường hợp vi phạm được phát hiện, 1.481 đối tượng được bàn giao cho công an cơ sở xử lý. Đáng chú ý, trong số đó có đến 696 trường hợp dưới 18 tuổi (chiếm 46,8%), chủ yếu vi phạm về giao thông, lỗi phương tiện, an ninh trật tự và cả ma túy.
Công an TP.Đà Nẵng cũng thống kê và công bố những số liệu giật mình, khi số lượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tội phạm dưới 18 tuổi có chiều hướng tăng. Sáu tháng đầu năm, có đến 88 vụ với 279 người dưới 18 tuổi phạm pháp, tăng 27 vụ và 76 trường hợp so với năm 2022.
Đáng báo động, tính chất, mức độ phạm pháp của thanh thiếu niên không chỉ đơn thuần là trộm cướp, gây rối, đánh nhau mà còn tập trung ở nhóm hành vi đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí giết người. Hung khí trong các vụ án ngày càng có tính sát thương cao, không chỉ mã tấu, dao phóng lợn mà còn có cả súng đạn. Thành phần thanh thiếu niên phạm pháp cũng ngày càng phức tạp, hầu hết bỏ học từ sớm, bỏ nhà lang thang, gia đình bỏ mặc;quan hệ xã hội phức tạp và hầu hết có quan hệ với đối tượng tiền án, tiền sự, sử dụng chất kích thích, ma túy...
Thực tế cho thấy rất cần xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, có phương pháp với công tác trẻ em, để tạo chỗ dựa, tạo cơ hội cho trẻ chậm tiến, cùng với các giải pháp kiểm soát mặt trái của không gian mạng. Bên cạnh kiến thức, chương trình giáo dục hiện nay cần chú trọng hơn nữa về rèn luyện đạo đức, nhất là uốn nắn học sinh hư.
Hệ thống pháp luật cũng cần làm rõ trách nhiệm và có biện pháp can thiệp sâu hơn về vai trò của gia đình, địa phương, nhà trường và các cơ quan đoàn thể trong bảo vệ, giáo dục trẻ em.