Thời sự - Bình luận

Giữ mình, gương mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an đang cùng các địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông, trong đó tập trung xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Trong số những trường hợp vi phạm qua đợt kiểm tra từ ngày 31-8 đến 22-9 có 110 trường hợp là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe...; một số người là bí thư, chủ tịch huyện hoặc một số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu.

Trong văn bản chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, yêu cầu Bộ Công an thường xuyên duy trì xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề, nhất là kiểm soát nồng độ cồn. Công an các địa phương tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm.

Với tinh thần "không có ngoại lệ, không có vùng cấm", những trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm, không còn du di hay nể nang, nương tay như đã từng xảy ra trước đây. Điển hình như mức phạt 56 triệu đồng đối với người lái xe cố tình không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng vào tối 18-9. Người này đương nhiệm chức Chủ tịch UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Trong quá trình xử lý, người này đã không hợp tác và vi phạm nhiều lỗi như không có giấy phép lái xe; không có giấy đăng ký xe; không có giấy chứng nhận kiểm định…

Tại TP HCM, theo Phòng CSGT TP HCM, qua kiểm tra vào tối 27-9, Trạm CSGT Tây Bắc phát hiện 13 trường hợp vi phạm có liên quan đến nồng độ cồn trong hơi thở. Trong đó có 1 trường hợp là cán bộ, công chức nhà nước. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định ông V.D là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự của một huyện tại TP HCM.

Vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Do đó, cần tiếp tục nêu thông điệp và thực hiện nhất quán, tạo thành thói quen và ý thức tuân thủ "đã uống rượu bia, không lái xe". Riêng đối với cán bộ công chức, viên chức phải là những người nêu gương, phải biết giữ mình để không vi phạm. Việc công bố rộng rãi danh tính người vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng qua đợt cao điểm kiểm tra này cũng như việc xử lý thật nghiêm của cơ quan chủ quản, đơn vị công tác của cán bộ công chức viên chức là cần thiết, có tính chất răn đe và là bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều người.

Cán bộ công chức thì phải gương mẫu trong công việc và đời sống, đó là lẽ đương nhiên, là yêu cầu về đạo đức, phẩm chất cán bộ. Trong khi tham gia giao thông phải nghiêm túc chấp hành luật lệ, phải tuyệt đối không uống rượu, bia để an toàn cho mình và cho người khác. Hơn ai hết, thông điệp "phía sau tay lái là cuộc sống" dành chung cho tất cả những ai tham gia lưu thông trên đường. Trước khi uống rượu, bia hãy cân nhắc hoàn cảnh cho phép hay không, nếu đã uống thì tuyệt đối không lái xe. Phải "không dám" và "không muốn" vi phạm luật giao thông, là ý thức thường xuyên trong mỗi cá nhân.

Có thể bạn quan tâm