Tin tức

Giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc, tàu chiến Mỹ bất ngờ xuất hiện ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một tàu chiến Mỹ đã di chuyển gần những đảo mà Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép trên Biển Đông vào ngày 28/8, một động thái có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận trong lúc quan hệ giữa hai nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng.
Biển Đông hiện là một trong những vấn đề gây bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, khi lúc này  hai nước đang có cuộc chiến thương mại, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quan chức Trung Quốc đang được áp dụng, và cả vấn đề Đài Loan. Trước đó vào ngày 27/8, Bắc Kinh cũng khước từ đề nghị cho phép tàu chiến Mỹ cập cảng thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc).
 
Tàu chiến của Mỹ đã tiến gần đến các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép.
Reuters đưa tin, theo Trung tá Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội số 7 Hải quân Mỹ, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã di chuyển vào khu vực cách các bãi đá Chữ Thập và Vành Khăn 12 hải lý. Bà Mommsen nói thêm rằng hoạt động này là nhằm “phản đối những tuyên bố chủ quyền vô lý trên biển và bảo đảm sự thông suốt của các tuyến đường biển được quy định theo luật pháp quốc tế”.
Hoạt động diễn ra trong lúc cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng khốc liệt, khi mới đây hai nước đã áp đặt thêm thuế đối với mặt hàng xuất khẩu của nhau.
Trung Quốc và Mỹ đã liên tục đưa ra những lời chỉ trích lẫn nhau trong quá khứ. Washington cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông bằng việc xây dựng các cơ sở phục vụ cho mục đích quân sự trên các đảo nhân tạo và bãi đá trong khu vực.
Hôm 26/8, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, Washington “đặc biệt quan ngại về những nỗ lực liên tiếp của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, Trung Quốc còn tái diễn sự can thiệp mang tính áp bức nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông".
Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh “sẽ không thể giành được lòng tin của các nước láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu như vẫn tiếp tục triển khai chiến thuật bắt nạt”.
Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao luôn nhấn mạnh rằng: “Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để  đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại biển Đông cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị 3 ngàn tỷ USD/năm. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Anh Tuấn (Infonet/lược dịch)

Có thể bạn quan tâm