Thời sự - Bình luận

Gỡ 'thẻ vàng' EC: Cần hành động quyết liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 10 đến 18-10, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra kết quả triển khai khuyến nghị của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các quy định của pháp luật gắn với khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" (do EC đưa ra từ năm 2017), trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn: khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật và xử lý vi phạm. Đây là vấn đề có tầm quan trọng đối với lợi ích quốc gia.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu bị phạt "thẻ đỏ", Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang EU với tổng giá trị gần 500 triệu USD/năm. Nhưng đáng lo ngại hơn là về lâu dài, Việt Nam đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Trữ lượng hải sản của Việt Nam có khoảng 3,95 triệu tấn nhưng đã khai thác 3,8 triệu tấn.

Chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân. Vì vậy, cần không ngừng nâng cao ý thức người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý vi phạm, tuyên truyền, vận động, giáo dục và chăm lo, nâng cao đời sống ngư dân, tạo sinh kế, việc làm cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến và giảm thiểu đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh nâng cao nhận thức của ngư dân, phải đồng bộ, hiệu quả trong quản lý, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan địa phương để xảy ra vi phạm, không đáp ứng yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC, ảnh hưởng đến việc khắc phục "thẻ vàng" của EC.

Trả lời tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 25-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: "Chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ được "thẻ vàng", do đó dù khó đến mấy vẫn phải quyết tâm thực hiện". Bộ trưởng dẫn chứng các quốc gia láng giềng đã sử dụng các biện pháp rất mạnh, thậm chí như giữa biển khơi họ đánh đắm tàu cá vi phạm, chứ không chỉ phạt như Việt Nam.

Thời gian qua, EC ghi nhận Việt Nam có nhiều tiến bộ, nỗ lực trong thực hiện các khuyến nghị của EC. Hơn nữa, chúng ta làm tốt 4 nhóm vấn đề trên cũng xuất phát từ chính lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân, hướng đến sự bảo tồn và phát triển bền vững. Tự thân chúng ta nhận thấy giải pháp thực thi triệt để và quyết liệt là cực kỳ quan trọng. Phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe, không còn vi phạm. Sự nhân nhượng không có chỗ trong trường hợp này, khi lợi ích quốc gia là tối thượng.

Điều quan trọng khác, gỡ thẻ vàng IUU không phải mục tiêu duy nhất, mà phải giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học đại dương, biển của Việt Nam. Hy vọng sau đợt kiểm tra này của EC, tình hình sẽ có nhiều cải thiện khi Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ trong chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa với quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm