Ngay trước thềm cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán dự kiến giữa hai miền Triều Tiên, giới chức Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 12-2 đã tổ chức đàm phán cấp cao nhất kể từ năm 2007.
Cuộc đàm phán diễn ra theo yêu cầu của phía Triều Tiên, tại làng Bàn Môn Điếm (Panmunjom), khu vực phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên.
Dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc là ông Kim Kyou-Hyun, quan chức cao cấp nhất thuộc Hội đồng an ninh quốc gia. Phía Triều Tiên là ông Wong Ton Yong, Phó Chủ tịch cơ quan phụ trách quan hệ với Hàn Quốc.
Phiên họp sáng diễn ra từ 10h và kéo dài 90 phút, trong khi phiên buổi chiều diễn ra ở phía Hàn Quốc.
Không có chương trình nghị sự được đưa ra, song cuộc đàm phán diễn ra trước thời điểm dự kiến hai miền sẽ tổ chức cuộc đoàn tụ cho khoảng 100 thành viên các gia đình ly tán từ mỗi bên.
Phía Triều Tiên đã dọa sẽ hủy cuộc đoàn tụ này vì cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 2 này.
Ngoài vấn đề đoàn tụ các gia đình ly tán, giới quan sát cho rằng hai bên cũng có khả năng đề cập đến hợp tác kinh tế, và dường như Triều Tiên muốn Hàn Quốc bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế.
Trước cuộc đàm phán, đại diện Hàn Quốc Kim Kyou-Hyun cho rằng cuộc đàm phán sẽ là cơ hội để mở ra kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng Triều Tiên dường như đề nghị mở cửa trở lại một khu du lịch chung, vốn đã mang lại nguồn thu nhập lớn nhưng bị đóng cửa từ 6 năm qua. Đặc biệt là Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul bãi bỏ cấm vận kinh tế, được áp dụng sau khi Triều Tiên tiến hành hai vụ tấn công trong năm 2010.
Cuộc gặp này là động thái mới nhất trong những động thái tỏ thiện chí của chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un trong thời gian gần đây. Theo giới phân tích, Bình Nhưỡng tìm cách vận động bãi bỏ các trừng phạt quốc tế và thu hút đầu tư ngoại quốc.
Theo dantri