Tin tức

Hàn Quốc khai mạc Đối thoại Quốc phòng Seoul

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 11-11, diễn đàn an ninh đa phương cấp thứ trưởng mang tên "Đối thoại Quốc phòng Seoul" (SDD) đã được tổ chức tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Diễn đàn sẽ thảo luận về việc hạn chế sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như tình trạng gia tăng nguy cơ với an ninh mạng.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Seoul 2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Seoul 2012.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết diễn đàn trên, được tổ chức lần đầu tại Seoul năm 2012, sẽ kéo dài ba ngày với sự tham gia của khoảng 180 quan chức quân đội cấp cao cùng các chuyên gia tới từ 21 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Diễn đàn năm nay có chín nước và hai tổ chức thành viên cử quan chức cấp thứ trưởng đến dự gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Brunei, Thái Lan, Mông Cổ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, các cường quốc và tổ chức phái quan chức trợ lý cấp thứ trưởng hoặc thấp hơn tham gia SDD gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, Malaysia, Campuchia, Myanmar và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Diễn đàn khai mạc với hàng loạt các cuộc hội đàm song phương và đa phương, trong đó Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-joo sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp các nước Philippines, Indonesia, Mỹ, Liên hợp quốc và EU.

Cuộc gặp được chờ đợi giữa ông Baek Seung-joo và người đồng cấp Nhật Bản Masanori Nishi sẽ được tổ chức vào chiều 13-11 để tạo điều kiện cho hai nước láng giềng này trao đổi thông tin kín về các vấn đề quốc phòng.

Trong ngày 12-11, các nhóm tham gia sẽ bắt đầu thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực trong năm phiên.

Các vấn đề thảo luận bao gồm: hòa bình và hợp tác ở Đông Bắc Á cũng như an ninh toàn diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cấm phổ biến vũ khí hủy diệt trên toàn cầu và vai trò của các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương; vai trò của quân đội trong việc quản lý an ninh mạng quốc gia; phương hướng tăng cường luật quốc tế về an ninh mạng; kế hoạch quốc phòng trong bối cảnh ngân sách bị thu hẹp.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm