Chủ tịch Thanh Hóa khẳng định: “Việc vận động không nhận tiền hỗ trợ là không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”. Công điện, được gửi hỏa tốc, cũng yêu cầu “tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ”.
Bà Đới Thị Bốn (trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương) khẳng định không có ai vận động việc tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Quách Du |
Ông Lê Xuân Quang người ký tên trong “đơn xin tự nguyện” không nhận tiền hỗ trợ đang lan truyền trên mạng hôm qua đã xuất hiện trong một clip của Lao Động. Rất buồn với những thông tin thất thiệt, người đàn ông thuộc diện hộ cận nghèo này cho biết, việc tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng.
Ở quê cuộc sống tuy vất vả nhưng người đàn ông này nói vẫn chủ động được, trong khi nhiều người còn khó hơn. Và đó là lý do duy nhất cho việc từ chối nhận tiền, hoàn toàn không ai ép buộc hay gợi ý gì hết.
Sự tự trọng và tấm lòng, của ông Quang, của rất nhiều người dân thật ra không nên đặt câu hỏi về sự nghi ngờ, nếu không có lá “đơn mẫu” kia.
Bởi lá đơn mẫu, con số một huyện mà có tới 2.400 người từ chối và cả những phản ánh đến tổng đài 111, cơ sở cho công điện hỏa tốc của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa... cho thấy dấu hỏi về sự vận động, về phong trào, về một căn bệnh thành tích không phải là không có cơ sở.
Trên Báo Lao Động, lãnh đạo một số địa phương cấp xã giải thích những lá đơn mẫu là do “nhiều người dân trình độ còn hạn chế, khả năng viết còn kém”, nên xã thảo mẫu đơn chung.
Dẫn lời một quan chức Hội Phụ nữ trên một tờ báo cho biết, những tấm gương tự nguyện viết đơn không nhận tiền hỗ trợ được báo chí Thanh Hóa viết bài tuyên dương đã “lan tỏa phong trào ở nhiều địa phương”.
Khi đặt ra cho gói 62.000 tỉ đồng, Chính phủ đã tính đếm cẩn thận để cho ra con số 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần được hỗ trợ. Vậy thì có cần phải một phong trào? Huống chi, việc vận động không nhận tiền nếu có, nói như Chủ tịch Thanh Hóa, rõ ràng là không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Hôm qua, có một chi tiết thật không biết nên hiểu thế nào: Chiều 12.5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra thông tin, chỉ vài tiếng sau, đến tối 12.5, bộ lại có công văn rút lại công văn.
Sự rối bời và câu chuyện Thanh Hóa hôm nay hóa ra đang cho thấy vấn đề thủ tục thực thi chính sách của chúng ta quá chậm, chậm quá mức độ trễ chính sách thông thường, khiến cho việc hỗ trợ mất đi tính thời điểm. Hãy để ý đến nhan đề của lá đơn “Đơn xin tự nguyện”. Không có lẽ chúng ta phải thủ tục, phải hành chính hóa, ngay đối với những tấm lòng, sự thơm thảo, tự trọng của người dân.
ĐÀO TUẤN (LĐO)