Cụ thể, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm của cơ quan chức năng, ghi nhận: 16/29 mẫu dương tính với chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli; 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì Cô Băng (P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) khi xảy ra vụ ngộ độc do Viện Y tế công cộng TP.HCM thực hiện, ghi nhận: 4/8 mẫu thực phẩm như: pa tê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella.
Trong khi đó, quản lý thức ăn đường phố nói chung, bánh mì nói riêng có nhiều cách hiểu khác nhau của những người làm công tác quản lý. Tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ Y tế vào chiều 3.5, khi đánh giá về tình trạng pháp lý của tiệm bánh mì Cô Băng (bán khoảng 1.000 ổ/ngày), ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh, cho rằng TP xác định rằng đây là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và không có đăng ký kinh doanh. Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ sở này cũng không thuộc đối tượng phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho rằng cần xác định đúng đối tượng để quản lý. "Nghị định 15 quy định cơ sở kinh doanh thực phẩm có sẵn và sản xuất ban đầu nhỏ lẻ như trồng ít rau, nuôi ba con heo, vài con gà thì không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn cơ sở bánh mì chế biến thức ăn thì thuộc diện sản xuất, có mua gan về chế biến pa tê tại nhà. Mà đã sản xuất thì phải đăng ký kinh doanh, phải khám sức khỏe và phải được tập huấn", ông Long nói.
Thực tế trên chỉ ra ngành y tế cần phải có hướng dẫn cụ thể đối với việc cấp phép kinh doanh và các quy định liên quan cho thức ăn đường phố nói chung, bánh mì nói riêng. Khi đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm mới tránh xảy ra những cách hiểu khác nhau về cơ sở pháp lý...