Tin tức

HĐBA Liên hợp quốc thảo luận về tình trạng bạo lực Myanmar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 30-8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thảo luận về tình trạng xung đột bạo lực đang diễn ra tại bang Rakhine, Tây Bắc Myanmar, khiến 18.500 người phải sơ tán sang nước láng giềng Bangladesh trong 6 ngày kể từ ngày 25-8.
 

Người dân Myanmar phải sơ tán sang nước láng giềng Bangladesh.
Người dân Myanmar phải sơ tán sang nước láng giềng Bangladesh.

Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft cho biết mặc dù chưa có tuyên bố chính thức của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau cuộc họp kín, nhưng đã có nhiều lời kêu gọi từ các nước thành viên yêu cầu giảm leo thang căng thẳng.

Ông Rycroft nói: "Tất cả chúng tôi đều lên án tình trạng bạo lực tại Myanmar, kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng".

Làn sóng bạo lực nổ ra từ ngày 25-8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine.

Xung đột với các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng. Trước tình trạng này, hàng chục nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã tìm cách vượt biên sơ tán vào lãnh thổ nước láng giềng Bangladesh.

Theo dữ liệu từ các trại tị nạn của người Rohingya đặt tại Bangladesh, tính từ ngày 25-8, đã có tới 18.500 người từ Myanmar sang Bangladesh, chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya.

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine sang các nước láng giềng sau khi quân đội nước này phát động các chiến dịch truy tìm các phần tử nổi dậy tấn công các trạm kiểm soát biên giới.

Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công đó là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm