Làm rõ những cá nhân được cấp, sử dụng bằng giả- Yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong một văn bản đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Việc Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ làm giả bằng đại học ở ĐH Đông Đô đang nhận được sự tán đồng mạnh mẽ từ dư luận. Ảnh: Thongtinchinhphu |
Trong vụ án Đinh Ngọc Hệ đang được xét xử có một chi tiết là vị “bộ trưởng” mạo danh này tiến thân bằng một tấm bằng giả.
Với 2,5 triệu đồng, ông Hệ đã mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp đại học của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Từ tấm bằng giả, ông leo dần lên chức thượng tá, được kết nạp Đảng, trở thành một quyền lực với biệt danh “Út bộ trưởng”- theo TTO.
Uy tín vời vời.
Trong phiên tòa năm ngoái, cái người uy tín ấy từng nói bảo mình là nông dân, mình “dân trí thấp” nên không nhận thức được việc không đi học mà có bằng đại học là vi phạm.
Có bao nhiêu “người uy tín” như ông Út đang chui sâu leo cao bằng những tấm bằng giả?
Chúng ta không biết. Bởi ngay những trường hợp tưởng hai năm rõ mười: Danh sách 193 trường hợp được ĐH Đông Đô cấp bằng giả cũng đang ở đâu đó, vì lý do nào đó.
Bởi ngay cả 55 trường hợp sử dụng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ…cũng chẳng biết đó là ai. Chỉ vì lý do họ là những người có uy tín xã hội.
Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một chỉ đạo nức lòng dư luận khi yêu cầu phải làm rõ số cá nhân được Trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác... để thu hồi và xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Văn bản của Thủ tướng, như nói thay cho mong mỏi của người dân về những khát khao minh bạch.
Bởi 55 cá nhân ấy là ai, ở đâu, đã dùng những văn bằng chứng chỉ giả ấy vào việc gì.... thật ra là những thông tin không thể không công khai khi nó thuộc về quyền được biết của người dân. Những thông tin mà càng che giấu, càng lặng im sẽ chỉ càng gây ra những bức xúc, thậm chí bất ổn.
Bởi không một thứ gian lận nào có thể đậy điệm bằng một thứ vô thưởng vô phạt và vô nghĩa với người dân hơn là mấy chữ “có uy tín xã hội”.
Vì sao hôm qua văn bản yêu cầu làm rõ của Thủ tướng được chia sẻ khắp nơi với sự đồng tình thấy rõ? Vì nó đặt dấu chấm hết cho những lý do che giấu gian lận, của 55 người “có uy tín”.
Thứ “uy tín xã hội” nào có thể được tạo dựng bằng gian lận?
Bộ Giáo dục Đào tạo đã cam kết làm rõ thông tin và bản chất vụ việc, và sau chỉ đạo của Thủ tướng, giờ đã đến lúc bộ này công khai “danh sách đen”, công khai những người “có uy tín xã hội” ấy.
Bởi đó cũng là cách Bộ lấy lại “uy tín” cho chính mình.
Theo ANH ĐÀO (LĐO)