Thời sự - Bình luận

Hòa bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy vì hòa bình là khát vọng muôn thuở, khát vọng ngàn đời của con người. Nó là mục tiêu, là ý chí, là giá trị vĩnh hằng mà con người hướng tới, mơ tới, nghĩ về và luôn luôn muốn nó là hiện thực.

1. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo vừa gửi tặng tôi tập trường ca “Đất nước hình tia chớp” mới tái bản. Đây là tập trường ca được nhiều người đánh giá hay nhất trong các trường ca về Tổ quốc. Tôi thì xếp nó đứng cùng với 2 trường ca của 2 tài danh khác cùng thời là “Đường tới thành phố” (Hữu Thỉnh) và “Dấu chân qua trảng cỏ” (Thanh Thảo). Nhưng, tôi thích tập này hơn.

Tổ quốc trong thơ và trường ca Trần Mạnh Hảo vừa giản dị vừa thiêng liêng, vừa gần gũi vừa sang trọng, vừa như nắm được lại như rất mơ hồ, vừa như chúng ta lại như không phải... Vấn đề là, ông viết ngay trong những ngày hòa bình đầu tiên, năm 1975 và 1976 thì xong. Rất ít thấy súng bom ùng oàng, chỉ thấy mẹ, thấy em, thấy lịch sử, thấy mạch ngầm dân tộc, thấy những cuộc hành quân: “Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn/Sống thì đi mà chết thì nằm/Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn/Đất nước là một cuộc hành quân.../Mẹ ơi, có mẹ rồi chúng con vững bước/Chúng con lam làm, chúng con sống chúng con yêu/Chọn tâm bão mẹ sinh thành dân tộc/Sóng có nghiêng đê con vẫn bắc cầu Kiều”. Và đấy, vừa qua chiến tranh, qua máu và nước mắt, qua chết chóc và hy sinh, ông mơ ngay “sóng có nghiêng đê con vẫn bắc cầu Kiều”. Đoạn này là đoạn kết của trường ca, đọc xong, một mênh mông hòa bình hiện ra.

2. Lại nhớ những ngày chúng tôi vào học năm thứ nhất Khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế khóa 1, khóa mở đầu tiên sau ngày hòa bình. Phạm Dũng, bạn học thông minh và tài hoa của chúng tôi, khi ấy là bộ đội về đi học, tức anh vừa qua khỏi cuộc chiến tranh, nói cách hình tượng là áo còn vương mùi thuốc súng, ở giảng đường Morin (bây giờ là Khách sạn Sài Gòn Morin sang bậc nhất TP. Huế), anh rưng rưng đọc cho chúng tôi nghe mấy chương của trường ca được in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội: “Thương nhau cởi áo cho nhau/Vì em dối mẹ một câu trong đời/Con xin phép mẹ mẹ ơi/Giặc tan con phải tìm người con thương”. Vừa đi qua chiến tranh, chả ai nhắc loạn lạc chia ly, chả ai kể khổ kể chết, mà chỉ “Giặc tan con phải tìm người con thương”. Dẫu rằng trong thực tế, cái vết thương chiến tranh ấy, tới giờ, sau gần thế kỷ vẫn chưa lành. Khát vọng người lính, khát vọng dân tộc là thế, thi sĩ chỉ nói thay họ.

Và thi sĩ không cá nhân, Trần Mạnh Hảo luôn từ cái cụ thể nhìn ra cái toàn thể, từ cá nhân nhìn ra dân tộc. Còn nói như lý luận văn học của ta một thời thì đó là sự nhuần nhuyễn của trách nhiệm công dân và tư duy nghệ sĩ, nó như thế này: “Biết em từ thuở Hùng Vương/Lưng ong thắt đáy như lưng nước mình/Dẫu từng đi suốt chiến chinh/Mà sao đất nước vẫn hình dáng em/Chiếc khăn hoa lý bay lên/Theo hình đất nước nằm bên biển đầy/Mẹ sinh cho em bàn tay/Để anh cầm lúc gió bay qua cầu...”.

Lớp chúng tôi thời ấy, giờ một số đã mất, trong đó có Phạm Dũng. Người lính đi qua chiến tranh, trở về thời bình, học đại học, làm thơ và rồi thác, anh thác trong hòa bình bằng một nguyên cớ chiến tranh: ung thư do ảnh hưởng chất độc da cam.

3. Nhà báo tài hoa và dũng cảm Trần Mai Hạnh vừa qua đời. Ông cùng em trai của mình, nhà báo Trần Mai Hưởng, có mặt ở Dinh Độc Lập với tư cách là 2 người lính và là 2 nhà báo. Bản tin đầu tiên về giải phóng Sài Gòn phát từ Dinh Độc Lập ra Hà Nội vào trưa 30-4-1975 là của ông Trần Mai Hạnh. Tôi nhớ trưa ấy, đang đạp xe trên con đê nông giang ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) về nhà sau buổi học, thấy nhiều người tập trung ở một ngôi nhà có cái radio đang mở hết cỡ và tôi đã nghe lõm bõm phần cuối bản tin ấy, giọng đọc của phát thanh viên như vỡ ra trong lồng ngực. Mọi người hò reo còn tôi thì hăm hở đạp thật nhanh về nhà báo tin cho ba tôi. Về, tôi thấy ba đang giàn giụa nước mắt.

Hòa bình với anh Trần Mai Hạnh cũng trắc trở. Anh bị vướng vòng lao lý, nhưng vẫn hừng hực một ý chí hòa bình. Và rồi khi trở về với hòa bình, anh đã hoàn thành liên tiếp mấy tập sách với tư cách nhà văn, một trong các tác phẩm ấy, cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đấy là cuốn tiểu thuyết phi hư cấu viết về những ngày cuối cùng của chiến tranh, “1-2-3-4” là 4 tháng trước ngày 30-4-1975.

Anh mất, rất nhiều báo đưa tin, viếng, mạng xã hội cũng nhắc nhiều về anh. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ-Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi anh Trần Mai Hạnh từng làm Tổng Giám đốc đến viếng và ghi những dòng như thế này vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc anh Trần Mai Hạnh! Ngày anh đột ngột ra đi và lễ tang của anh, em đang đi công tác phía Nam nên không về dự được. Đêm qua, về đến Hà Nội, sáng nay em đến thắp nén tâm nhang tưởng nhớ anh. Đời người vô thường; may rủi, đúng sai đôi khi mong manh, bất định; chức tước rốt cuộc cũng là phù du. Mọi người sẽ luôn nhớ thương anh ở hai từ nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh và những tác phẩm xuất sắc mà anh để lại”.

Thì nghĩ cho cùng, tới tận cùng, đời người cũng chỉ cần đến thế. Và theo tôi, đấy chính là hòa bình.

4. Trở lại trường ca “Đất nước hình tia chớp”, tôi đọc câu nào cũng hay, cũng thấm, nó vừa cuồn cuộn bão giông nhưng lại cũng trữ tình như hương lúa chín, nó thầm thì yêu nhưng cũng thét gào đau đớn. Nó kết tinh hòa bình từ thuở “Vua Hùng tìm lúa đâu ra/Từ trong cỏ nhặt về nhà nâng niu/Nước mình lớn bởi chắt chiu/Bàn tay cày cấy em dìu lúa qua/... Biết em từ thuở Vua Hùng/Tấm lưng đã gập xuống cùng đất sâu/Tay ôm đóm mạ từ lâu/Như là ôm đứa con đầu của em”...

Để có hòa bình, nhiều thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống. Câu thơ của Trần Mạnh Hảo như nghẹn lại dù nó có vẻ rất lạc quan: “Thế hệ chúng con đi như gió thổi/Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/Chưa kịp yêu một người con gái/Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Ngày 6-4 vừa qua, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 307 (Mặt trận 579, Quân khu 5) phối hợp với UBND huyện Đức Cơ tổ chức lễ cầu siêu các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Và tôi tin, nhiều liệt sĩ trong số họ cũng vẫn là con trai.

Hòa bình, vẫn còn những góa bụa, những đợi chờ. Cũng ở Đức Cơ, tôi có những câu thơ khi gặp dấu tích con đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh: “Những con đường hoàn thành, những đoàn quân đi qua. Trùng trùng quân đi hướng về chiến thắng. Chỉ những cánh rừng là im lặng, chiều mỏng manh bóng con gái nhạt nhòa. Đôi vai mảnh mai kia bao lần làm trụ đỡ cầu phà, bao lần em đứng làm cọc tiêu cho xe qua bến. Mà mưa bom bão đạn... Tiếng con gái ngọt ngào nâng bước những đoàn quân/Tôi lật chiều lật cỏ để tìm em, chỉ gặp biết bao điều bình dị. Ngang dọc những cánh rừng con gái, nào đâu em thức ở phương nào?/Tôi đi nửa giờ xe để đến nơi ngày xưa em qua bằng một đời con gái. Bạt ngàn cao su rưng rưng nhựa trắng, lại gặp những bóng áo xanh một thời trận mạc. Lại gặp những vai tròn con gái, lại những tiếng cười trong trẻo tuổi hai mươi”.

Chúng ta trân trọng chữ hòa bình. Hòa bình mới vĩnh cửu.

Có thể bạn quan tâm