Xã hội

Gia đình

Hội LHPN tỉnh: Chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, góp phần vào mục tiêu bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đặc biệt chú trọng công tác giám sát và phản biện xã hội. Qua hoạt động này, nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế đã được đề xuất, khẳng định vị thế của phụ nữ tại địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2016-2021) về việc thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách của các cấp Hội”, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì thành lập 27 đoàn giám sát tại 14 huyện, 9 xã và 4 đơn vị. Có 6 nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em như: Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; thực hiện Luật Phòng-chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; phê duyệt chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020; thực hiện đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đảm bảo an toàn cho học sinh tại các trường dân tộc nội trú và trường bán trú dân nuôi trên địa bàn tỉnh.
Đối với cấp cơ sở, giai đoạn 2017-2020, Hội LHPN đã chủ trì thành lập 159 đoàn giám sát 9 nội dung tại 158 xã, phường, thị trấn và Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình. Từ thực tế giám sát, các cấp Hội đã có nhiều kiến nghị, đề xuất kịp thời đối với ngành chức năng, được các địa phương, đơn vị tiếp thu, thực hiện. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku-cho biết: “Hàng năm, Hội LHPN thành phố lựa chọn chủ đề giám sát, xin ý kiến Thành ủy sau đó chuyển cho các cơ sở yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Trong đó, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, bảo vệ trẻ em là nội dung cần bám sát để có những đề xuất sát với thực tế, thể hiện vai trò, trách nhiệm thực hiện quyền dân chủ đại diện cho các tầng lớp phụ nữ thành phố”.
Hội LHPN tỉnh thực hiện giám sát chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Gia Lai giai đoạn 2013-2020 tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Ảnh: N.B
Bên cạnh nhiệm vụ giám sát, công tác phản biện xã hội cũng được thực hiện nghiêm túc, khoa học, dưới nhiều hình thức. Hội LHPN tỉnh đã chủ trì 2 hội nghị phản biện các nội dung: dự thảo “Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 của UBND tỉnh”; tổ chức hội thảo lấy ý kiến về triển khai chế độ hưu trí trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nữ khi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị phản biện góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
6 tháng đầu năm nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết 6 vụ dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em tại các huyện: Chư Prông, Krông Pa, Đức Cơ. Các địa phương đã cử cán bộ Hội có kinh nghiệm trực tiếp thăm hỏi, nắm bắt hoàn cảnh thực tế của gia đình nạn nhân để có hướng giúp đỡ kịp thời, đồng thời có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Để có những đề xuất kịp thời nhằm bảo vệ trẻ em, năm 2018, Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo khoa học đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn. Sau hội thảo, Hội đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành liên quan có các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức hội thảo “Nâng cao tỷ lệ nữ cấp ủy, HĐND vì sự tiến bộ của phụ nữ Gia Lai”, qua đó đánh giá vai trò nữ tham gia cấp ủy, HĐND và đề xuất giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh-đánh giá: “Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã chủ động, kiên trì, kết hợp linh hoạt các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Nhiều ý kiến góp ý, phản biện của các cấp Hội đã được ghi nhận, tiếp thu, góp phần làm cho hệ thống chính sách về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện. Các cấp Hội xác định đây là nhiệm vụ mang tính thúc đẩy các hoạt động khác của Hội, qua đó thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, ngày càng khẳng định tiếng nói, vị thế, vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội”.
NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm