Ngày 22-7, hội nghị bàn tròn 1+6 lần đầu tiên diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với chủ đề “thúc đẩy kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới tăng trưởng đồng đều, mạnh mẽ và bền vững”.
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tại Hội nghị 1+6. |
Tham dự hội nghị trên có Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường và 6 người đứng đầu các tổ chức kinh tế toàn cầu gồm Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria và Chủ tịch Ủy ban ổn định tài chính Mark Carney.
Theo thông cáo báo chí chung được đưa ra sau cuộc họp, các bên nhất trí hội nghị bàn tròn này nên trở thành cơ chế thường xuyên nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc và các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, làm sâu sắc quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế và tài chính quốc tế, cũng như cùng tìm biện pháp đối phó với những thách thức đối với kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc báo chung sau cuộc họp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi thế giới tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô. Ông Lý Khắc Cường khẳng định những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc vẫn không thay đổi dù phải đối mặt với sức ép suy giảm mạnh.
Ông cũng nhận định tỷ lệ nợ công của Trung Quốc không cao, nhưng Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý lĩnh vực ngân hàng "ngầm" và giám sát hoạt động tài chính của các chính quyền địa phương.
Ngoài ra, ông cho biết do những biến động tài chính bắt nguồn từ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách tỷ giá hối đoái dựa trên thị trường, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ duy trì tỷ giá hối đoái về cơ bản ổn định ở mức cân bằng và sẽ không gây ra cuộc chiến thương mại hay tiền tệ.
Cập nhật các con số dự báo được đưa ra hồi tháng Tư vừa qua, Tổng giám đốc IMF C.Lagarde dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017, điều chỉnh giảm 0,1% đối với cả hai năm này, do bất ổn xung quanh vấn đề Brexit.
Tuy nhiên, đại diện IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thêm 0,1% lên 6,6% trong năm nay, nhờ những cải cách “triệt để và dứt khoát” cũng như sự hỗ trợ tích cực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của nước này.
Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu sau quyết định rời khỏi EU của nước Anh, bà Lagarde hối thúc châu Âu giải quyết vấn đề liên quan đến Brexit càng sớm càng tốt.
Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 theo kế hoạch diễn ra từ ngày 23 và 24-7 tại thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, trong đó các bên dự kiến thảo luận về các tác động của Brexit.
Theo TTXVN