Tin tức

Hội nghị ASEAN-Trung Quốc: Đối thoại xây dựng lòng tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 15-1, cuộc họp lần thứ tư các quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc (SOM) về nỗ lực thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã kết thúc tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cùng trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đồng chủ trì. Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin các bên tham gia đã đạt được một loạt thỏa thuận chung về hợp tác trên biển.

SOM kết luận tình hình tổng thể của biển Đông là hòa bình và ổn định. Hội nghị đề cập năm 2011 là “một năm thành công” với các tiến bộ trong quá trình thực thi DOC. Trung Quốc và ASEAN đạt được thỏa thuận khung về hợp tác trên biển Đông, bao gồm kế hoạch đẩy mạnh các dự án hợp tác, tổ chức các buổi hội thảo về cứu hộ thảm họa trên biển và nghiên cứu sinh vật biển.

Lập trường hòa bình

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc chuẩn bị diễn tập trên vùng biển Đông ngày 8-7-2011
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc chuẩn bị diễn tập trên vùng biển Đông ngày 8-7-2011

Nhật Báo Trung Quốc dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tất cả các bên đã đồng ý thiết lập ủy ban chuyên gia về nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường, an ninh và cứu hộ cũng như trừng trị tội phạm xuyên biên giới. Các bên đã trao đổi những biện pháp triển khai bản quy tắc hướng dẫn triển khai DOC, lịch trình hoạt động của SOM và nhóm công tác chung năm 2012.

Các vấn đề bàn thảo xoay quanh những nguyên tắc đã được đề ra trong DOC, đặc biệt là việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tiếp tục đối thoại xây dựng lòng tin.

Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đoàn Việt Nam đã phát biểu về lập trường chung của ASEAN: hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải là nguyện vọng và lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do đó các nước phải chung tay đóng góp xây dựng vì các mục tiêu này. Các bên liên quan cần cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Việt Nam nhấn mạnh quan điểm tôn trọng các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý theo UNCLOS, thực hiện đầy đủ quy định của Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

“Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội trong việc hợp tác với các nước ASEAN để duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông cũng như đem lại lợi ích cho người dân trong khu vực”- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nhấn mạnh.

Dựa trên UNCLOS

Báo Philippines Star đưa tin hội nghị SOM diễn ra ngay sau khi Philippines cáo buộc các tàu Trung Quốc đã xâm nhập gần bãi cạn Chóp Mao (bãi Sa Bin) trong tháng 12-2011. Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario cho biết Manila muốn Bắc Kinh làm rõ về động thái của ba tàu đã đi vào bãi cạn Chóp Mao trên biển Đông.

“Chúng tôi đang xem xét kỹ mối quan hệ lâu dài và giá trị của chúng tôi với Trung Quốc, dựa trên sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau- Ngoại trưởng Rosario nói- Để giải quyết triệt để và hòa bình những tranh chấp trên biển Đông, các tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với UNCLOS. Philippines sẽ thông qua các tuyên bố chủ quyền theo UNCLOS”.

Giới chuyên gia đã có những phản ứng khác nhau về việc thực thi DOC dù đều công nhận đây là một bước quan trọng để giải quyết những căng thẳng hiện nay ở biển Đông. Giáo sư khoa học chính trị M. Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng khó có khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở biển Đông.

“Hướng dẫn thực thi DOC đã tạo ra một không gian có thể có tác dụng làm giảm những căng thẳng đang tồn tại. Những sáng kiến hợp tác sẽ giảm các tranh chấp trên biển trong tương lai, song các nước cần tăng cường ý chí chính trị và sáng tạo ngoại giao để tránh đối đầu”- giáo sư Fravel nhấn mạnh.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm