Ngày 11-4, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G-8) đã ra tuyên bố chung nêu rõ lập trường về vấn đề Triều Tiên và Syria.
Tuyên bố được đưa ra sau hai ngày họp tại thủ đô London của Anh.
Trong vấn đề Triều Tiên, các ngoại trưởng G-8 hối thúc Triều Tiên "kiềm chế" nhằm tránh có thêm các hành động gây căng thẳng.
Tuyên bố nhấn mạnh các ngoại trưởng G-8 lên án "bằng ngôn từ mạnh nhất" các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, cho rằng các hành động này đe dọa ổn định và triển vọng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuyên bố cảnh báo các nước G-8 sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa; đồng thời cho rằng việc Triều Tiên sử dụng ngôn từ "quá mức" chỉ khiến nước này càng bị cô lập với cộng đồng quốc tế.
Các ngoại trưởng G-8 hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Về cuộc xung đột tại Syria, các ngoại trưởng G-8 bày tỏ quan ngại trước tình trạng số người thiệt mạng ở Syria đã tăng lên tới hơn 70.000 người, chưa kể hàng triệu người phải chạy tị nạn.
Tuyên bố của G-8 hối thúc tất cả các nước tăng cường tối đa nỗ lực viện trợ cho người dân Syria theo kêu gọi của Liên hợp quốc, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với đặc phái viên chung của Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi trong nỗ lực tìm kiếm tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria, giúp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ ba.
Các ngoại trưởng G-8 cũng hối thúc các bên liên quan tôn trọng các quyền cơ bản của người dân Syria, cảnh báo bất cứ bên nào sử dụng vũ khí hóa học sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt thích đáng của cộng đồng quốc tế.
Ngoài hai vấn đề trên, các ngoại trưởng G-8 cam kết chi 35,5 triệu USD nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột vũ trang, mà con số nạn nhân ước tính đã lên tới hàng trăm nghìn người.
Tuyên bố của các ngoại trưởng G-8 cũng khẳng định các nước thành viên sẽ thảo luận nghị định thư về vấn đề này nhằm làm cơ sở pháp lý điều tra, truy tố các tội phạm xâm hại tình dục, mở các khóa tập huấn chống bạo lực tình dục và hỗ trợ pháp lý cho những nước có nguy cơ cao.
Theo TTXVN